Chậm nhất đầu năm 2023, khởi công tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng
Chiều 12/7, tại tỉnh Thái Bình, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Trưởng đoàn, đã làm việc với lãnh đạo một số tỉnh, thành phố về công tác chuẩn bị triển khai và đề xuất hướng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã báo cáo việc thực hiện chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Theo đó, tỉnh Thái Bình đã làm việc với UBND tỉnh Nam Định để nhận bàn giao hồ sơ nghiên cứu đề xuất dự án và các tài liệu liên quan; đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh Ninh Bình, Nam Định đề nghị phối hợp triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, tỉnh Nam Định đã báo cáo Tỉnh ủy và HĐND tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Nam Định dừng thực hiện việc nghiên cứu triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình thuộc 2 tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 2017-2021 và giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các thủ tục đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). UBND tỉnh Ninh Bình, Thái Bình đã trình HĐND tỉnh thống nhất chủ trương triển khai dự án.
Tỉnh Thái Bình đã phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu hướng tuyến, đảm bảo tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Thái Bình đã giao các sở, ngành chức năng cập nhật phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai, bổ sung quỹ đất dự kiến triển khai thực hiện dự án...; rà soát, bố trí mỏ cát biển phục vụ thi công dự án trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu bố trí vốn từ Ngân sách tỉnh để phục vụ giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án...
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện dự án; xem xét, cho phép tách hạng mục giải phóng mặt bằng của dự án thành các tiểu dự án độc lập giao các tỉnh thực hiện riêng; cấp quyết định khai thác mỏ cát, vật liệu cho nhà đầu tư để khai thác cát, vật liệu thi công cho dự án...
Tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung quy hoạch sử dụng đất của tỉnh để dự án triển khai bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đất đai; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, có phương án trình Chính phủ bố trí hỗ trợ vốn triển khai thực hiện dự án từ nguồn ngân sách Trung ương; các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận việc tỉnh Thái Bình và các tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng đã tích cực chuẩn bị triển khai dự án. Song đây là việc có nhiều khó khăn, lãnh đạo các địa phương liên quan phải thực sự đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thành. Mỗi tỉnh phải chịu trách nhiệm bố trí vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở mỗi địa bàn.
Phó Thủ tướng nêu rõ, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư dự án rất quan trọng, trong đó đơn vị tư vấn cần khẳng định được hướng tuyến, vật tư xây dựng công trình trong thời gian cụ thể. Trong tuần sau, các tỉnh liên quan phải hoàn thiện các thủ tục về tư cách pháp nhân thực hiện dự án; để đến "cuối năm nay, chậm nhất là đầu năm sau khởi công dự án" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
Đối với các kiến nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trao đổi, hướng dẫn các địa phương quy trình thực hiện các thủ tục trình các bộ, ngành liên quan để trình chính phủ xem xét quyết định.