Chậm quyết toán các dự án hoàn thành

ĐBP - Những năm qua, mặc dù Trung ương, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, hướng xử lý và ban hành nhiều văn bản đôn đốc đối với công tác quyết toán dự án hoàn thành nhưng số công trình hoàn thành chậm quyết toán trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý vốn đầu tư Nhà nước, gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản kéo dài, cũng như khó khăn trong việc theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư.

Chậm quyết toán dự án hoàn thành gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản, khó khăn trong quản lý vốn Nhà nước. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hoàng Ánh Ðiện Biên thi công đường nông thôn mới xã Sính Phình (Ảnh chụp tháng 12/2019).

Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 3/5/2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã phê duyệt quyết toán được 189 dự án, công trình với tổng giá trị phê duyệt quyết toán là 956,39 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 340 dự án, công trình của 16 đơn vị và 9 huyện, thành phố các chủ đầu tư chưa lập và nộp báo cáo quyết toán đến cơ quan tài chính. Trong đó: Các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt quyết toán của UBND tỉnh là 198 dự án, công trình (số liệu tổng hợp đến ngày 10/6/2020) và 142 công trình, dự án (số liệu tổng hợp đến ngày 31/5/2020) thuộc thẩm quyền phê duyệt quyết toán của UBND huyện, thành phố.

Bà Triệu Thị Trường, Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Sở Tài chính) cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, nhằm đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước song số lượng dự án hoàn thành các chủ đầu tư chưa lập và nộp báo cáo quyết toán vẫn còn nhiều. Ðặc biệt là, nhiều dự án hoàn thành từ năm 2014 trở về trước vẫn chưa được phê duyệt quyết toán. Ðơn cử như: Huyện Mường Nhé còn 77 công trình; Ðiện Biên Ðông 35 công trình; Nậm Pồ 26; Tuần Giáo 20; Mường Chà 19 công trình chưa nộp hồ sơ báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Ở cấp tỉnh có các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Ðào tạo; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là những đơn vị còn trên 10 công trình chưa nộp báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Nguyên nhân dẫn đến chậm quyết toán các dự án hoàn thành là do một số đơn vị được giao chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư dự án đã hoàn thành nhưng chưa thực sự quan tâm tới công tác lập, nộp báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Ðối với chủ đầu tư các dự án hoàn thành trước năm 2014, năng lực tổng hợp hồ sơ, lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành còn yếu; một số chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý các dự án. Một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng trong quá trình thi công do chế độ, chính sách, giá cả thay đổi, các chủ đầu tư đang thực hiện điều chỉnh dự toán, trình phê duyệt điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư nên chưa lập được báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với cơ quan tài chính các cấp trong công tác quyết toán dự án hoàn thành dẫn đến mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ, thống nhất kết quả thẩm tra, trình phê duyệt quyết toán; cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng còn nhiều bất cập, thường xuyên thay đổi một số nội dung.

Tại các cuộc gặp mặt giữa UBND tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh các tháng đầu năm 2020, ông Bùi Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan xem xét, bổ sung nguồn vốn, thanh toán dứt điểm cho các dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác. Ðiển hình như, Dự án Ðường Chà Tở - Mường Tùng (huyện Mường Chà) với tổng mức đầu tư 372,546 tỷ đồng. Dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác năm 2016, trong đó: Dự án đã hoàn thành với giá trị 368,273 tỷ đồng, lũy kế vốn thanh toán 346,266 tỷ đồng, số nợ đọng 21,947 tỷ đồng. Dự án đường Km45 - Nà Hỳ, giá trị đã thực hiện của dự án 396,846 tỷ đồng, vốn đã thanh toán 358,425 tỷ đồng, số nợ đọng và nhu cầu vốn còn thiếu 61,806 tỷ đồng. Ðặc biệt như Dự án Nâng cấp đường Trại Bò - Sư Lư - Chiềng Sơ và Mường Luân - Luân Giói (huyện Ðiện Biên Ðông) có tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng. Dự án hoàn thành, khai thác năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thể quyết toán. Số nợ đọng vẫn còn 11,788 tỷ đồng.

Ðể giải quyết tình trạng chậm lập và nộp báo cáo quyết toán các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quyết toán các dự án hoàn thành, ngày 23/6/2020, Sở Tài chính đã có văn bản số 1021/STC-ÐT để đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực đẩy nhanh tiến độ quyết toán dự án hoàn thành. Sở Tài chính đề nghị các đơn vị chủ đầu tư giải quyết dứt điểm công tác quyết toán đối với các dự án hoàn thành chậm trên 24 tháng, nhất là các dự án đã hoàn thành từ năm 2014 trở về trước. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tích cực kiểm tra, rà soát các dự án đã hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước nhưng chưa thực hiện phê duyệt quyết toán khẩn trương hoàn thành các thủ tục, hồ sơ pháp lý dự án, lập và nộp báo cáo quyết toán về cơ quan tài chính để thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định. Ðồng thời, phải thường xuyên phối hợp với các cơ quan tài chính, các ngành, đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/179390/cham-quyet-toan-cac-du-an-hoan-thanh