Chậm rãi thả mình trải nghiệm Việt Nam
Sống và làm việc tại Việt Nam 16 năm, tác giả người Bỉ Jean Pierre Outers đã vẽ nên một bức tranh đầy lôi cuốn về những vùng đất ông đã đặt chân đến trong cuốn sách mang tên 'Du hành về Nam'. JEAN PIERRE OUTERS chia sẻ nhân dịp tác phẩm du ký này ra mắt độc giả Việt Nam cuối tuần qua.
Chuyển động từng ngày của Việt Nam
- Ông đã dành bao lâu để khám phá Việt Nam và điều gì thôi thúc ông viết “Du hành về Nam”?
- Tôi đến Việt Nam cuối năm 1994, sống và làm việc ở đây đến năm 2010. Có thể nói đó là quãng dài thời gian đủ để tôi có hiểu biết, vốn sống về một dân tộc, nền văn hóa, con người ở đất nước các bạn. Đó thật sự là “công việc” chứ không chỉ là một chuyến du hành ngắn ngày tới một đất nước là có thể hiểu và viết sách được.
Cũng như một người Việt Nam đến Pháp và Bỉ mà không nói được tiếng Pháp, phải “ngụp lặn” trong đời sống để hiểu hơn, tôi đến Việt Nam và không biết tiếng Việt nên phải mở to mắt ngắm nhìn, lắng nghe hiện thực… Những gì trải nghiệm trong 16 năm ở Việt Nam, tôi đã đưa vào cuốn sách này, với mong muốn giúp độc giả châu Âu khám phá một phần văn hóa Việt Nam, đồng thời suy nghĩ về chính nền văn hóa của châu Âu bởi vì nền văn hóa Việt Nam có thể làm giàu cho các nền văn hóa khác.
- Người nước ngoài viết về Việt Nam không ít, nhưng viết về giao thông chắc chắn không nhiều. Tại sao ông tập trung thể hiện nội dung này trong các trang viết của mình?
- “Du hành về Nam” là những góc nhìn khác nhau của tôi về sự chuyển động từng ngày của Việt Nam, đất nước tôi luôn xem như quê hương thứ hai của mình. Tôi đã bị quyến rũ bởi tất cả những gì ở Việt Nam và tôi thể hiện cảm xúc đó qua những trang viết về những gì tôi đã được tiếp xúc.
Lập luận đơn giản của tôi là để trải nghiệm một đất nước, để thêm hiểu nó, hãy trải nghiệm phương tiện giao thông. Thành phố với những đại lộ, ngã tư, ngõ phố… tạo hành một cơ thể mà cấu trúc bên trong của nó là mạng lưới mạch máu; đất nước, xã hội phần nào được phản ánh qua hệ thống giao thông.
Giao thông cũng là điều gây ấn tượng đầu tiên với du khách tới Việt Nam. Đây là chủ đề bàn tán ưa thích của người nước ngoài. Đến Việt Nam, khi phải đối mặt với giao thông, khách nước ngoài thường sốc, sợ hãi, ngỡ ngàng, chơi vơi, thậm chí có cái nhìn phê phán. Tôi thì thấy rằng, khi đến xứ sở khác, ta phải chấp nhận mình ở nền văn hóa khác tới, không nên mang theo tư tưởng mình từ nước văn minh, có giao thông rất trật tự. Đặt chân lên một vùng đất mới, ta phải cố gắng khám phá, quan sát thật chậm rãi và khiêm tốn.
Qua giao thông cũng thể hiện nhiều điều về văn hóa. Chẳng hạn, ở phương Tây người ta luôn nhấn mạnh yếu tố con người, con người thống trị thế giới, nhưng ở phương Đông, đề cao sự thích nghi, hài hòa, chung sống với thế giới. Giao thông ở Việt Nam phần nào cho thấy sự uyển chuyển, thích nghi, trở thành tập tính. Điều này thể hiện sự khác biệt của văn hóa phương Đông và phương Tây.
Giữ bản sắc và chạm vào nền văn hóa khác
- Ông đã trải nghiệm những phương tiện giao thông nào ở Việt Nam và loại hình gì được ông yêu thích nhất?
- Tôi đã sử dụng tất cả các phương tiện giao thông ở Việt Nam, kể cả cầu treo, cầu khỉ… Cá nhân tôi rất tiếc những con đò, nay người ta ít sử dụng vì nhiều cây cầu đã được xây lên để mọi người đi lại thuận tiện. Dù vậy, tôi thấy đi trên các con đò rất nên thơ.
Còn về phương tiện tôi hay sử dụng là xe đạp. 8 năm nay nghỉ hưu tôi đã đạp xe khoảng 52.000km, đi nhiều nơi ở châu Âu, Mông Cổ, Trung Quốc. Năm 2019 tôi cũng đi vòng quanh Việt Nam bằng xe đạp. Khi du lịch, đi bộ và đạp xe cho chúng ta quan sát và trải nghiệm thú vị nhưng đi bộ thì chậm quá, nên tôi chọn xe đạp.
- Hiện nay, cùng với sự phát triển của phương tiện đi lại, việc dịch chuyển dễ dàng và nhanh chóng hơn. Thế giới ngày càng phẳng. Theo ông, đi chậm để trải nghiệm có còn phù hợp không?
- Đúng là giờ đây chúng ta di chuyển đến mọi nơi rất nhanh và cũng nhanh chóng hiểu biết về nền văn hóa, ngôn ngữ, con người nơi đó. Chắc chắn ngày nay là thế giới phẳng và con người giống nhau. Nhưng tôi tán thành cách nhìn nhận: thế giới phẳng và tứ xứ, nghĩa là có những vùng đất có nhiều người từ nơi khác đến, nhưng chúng ta vẫn thuộc những thế giới khác nhau, từ nền văn hóa khác và sử dụng ngôn ngữ khác. Chúng ta phải làm 2 việc song song: cố gắng phát triển ngôn ngữ, bản sắc riêng, nhưng cùng với sự dịch chuyển của thế giới, ta có thể chạm, thả mình vào nền văn hóa khác. Sự kết hợp của hai yếu tố đó sẽ giúp cho chúng ta sở hữu nền văn hóa cực kỳ giàu có.
- Dự định của ông khi trở lại Việt Nam lần này?
- Tôi từng sống ở Việt Nam 16 năm, và dù đã trở về Bỉ, Việt Nam vẫn luôn trong tâm tưởng của tôi. Tôi còn có nhiều điều quan tâm, muốn học hỏi về tiếng Việt, văn hóa, con người Việt. Nhân dịp sang Việt Nam để ra mắt cuốn sách “Du hành về Nam”, tôi sẽ đạp xe khám phá miền Bắc Việt Nam trong vòng một tháng tới. Ai có nhã ý muốn trải nghiệm với tôi, xin mời đi cùng!
- Xin cảm ơn ông!