Chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Cần sự chung tay của cộng đồng
Đến hẹn lại lên, tháng 6 là Tháng hành động vì trẻ em và là thời điểm diễn ra các diễn đàn để trẻ em nói lên tiếng nói của chính mình. Quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em bất hạnh, kém may mắn luôn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Hiện nay, Quảng Bình có 206.863 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,9% dân số, trong đó có 4.182 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2021, Tháng hành động vì trẻ em được thực hiện theo chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”.
Việc tổ chức Tháng hành động vì trẻ em và Diễn đàn trẻ em năm 2021 nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; thực hiện các chính sách, chương trình và vận động xã hội để giảm khoảng cách về cơ hội phát triển; tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em và dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và các vấn đề của trẻ em đã được quy định tại Điều 74, Luật Trẻ em năm 2016; tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề có liên quan tới bản thân.
Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và cả cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em một cách hiệu quả để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, được phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, năm nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động hướng về trẻ em được UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức phải phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Huệ, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, chia sẻ: Năm 2020, tỉnh ta vừa trải qua khó khăn về dịch bệnh, vừa khó khăn do bão lũ. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, các nhà hảo tâm vẫn luôn đồng hành với trẻ em Quảng Bình.
Và trong năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã nhận được hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng. Năm 2021 được tiếp tục xác định là năm khó khăn, nhưng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi, thu hút các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước, nhà hảo tâm hỗ trợ thực hiện các dự án, chương trình phẫu thuật cho trẻ em nghèo khuyết tật trên địa bàn.
"Quỹ Bảo trợ trẻ em Quảng Bình phấn đấu năm 2021 sẽ có 2.000 trẻ em được chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng; 5.000 trẻ được hưởng lợi ở lĩnh vực giáo dục; 2.000 trẻ em được bảo vệ; 6.000 trẻ em được phát triển và tham gia các chương trình từ thiện; 200 trẻ hỗ trợ đột xuất… Đặc biệt, với thực tế dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, ngoài sự quan tâm của các tổ chức xã hội thì mỗi gia đình cần nâng cao ý thức hơn nữa để bảo đảm an toàn cho các em trong mùa dịch.", bà Huệ cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Lê Minh (tỉnh Bình Dương) cho biết: "Năm 2021, các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn về sản xuất, kinh doanh, việc đi lại hỗ trợ cho các em cũng gặp nhiều trở ngại do dịch bệnh. Tuy vậy, công ty chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tiếp sức các em đến trường. Trong năm 2021, chúng tôi đã đón nhận, hỗ trợ 30 cháu mồ côi của tỉnh Quảng Bình và sẽ hỗ trợ cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Số tiền hỗ trợ tuy không nhiều nhưng mong các cháu vơi bớt được khó khăn hiện tại."
Theo báo cáo từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, trong năm 2020 vừa qua, mặc dù đã nỗ lực tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, đuối nước vẫn còn xảy ra. Toàn tỉnh có 59 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 26 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Chính vì vậy, trong năm 2021, các tổ chức, ban, ngành liên quan tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách về phòng, chống tai nạn thương tích và phòng chống xâm hại ở trẻ em.
Không chỉ riêng trong Tháng hành động vì trẻ em, mà nhiệm vụ các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần quan tâm triển khai trong thời gian tới, đó là: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; chú trọng tăng cường công tác quản lý về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, làm cơ sở cho việc xây dựng các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống, can thiệp, hỗ trợ và trợ giúp cho trẻ em trước, trong và sau bạo lực, xâm hại xảy ra.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; thanh tra, kiểm tra liên ngành về phòng, chống xâm hại trẻ em, đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình, toàn xã hội các vấn đề về trẻ em và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; triển khai tốt các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn, tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, bạo hành, xâm hại trẻ em. Đặc biệt, tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước; vận động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân và trẻ em để thực hiện các quyền về trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em ở địa phương; huy động đóng góp và sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn lực thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp...