Chăm sóc bệnh về da do đái tháo đường
Các biến chứng bệnh về da do đái tháo đường không chỉ gây mất thẩm mỹ, nếu không được xử lý đúng sẽ gây tình trạng nặng hơn, khó chữa...
1. Các bệnh về da do đái tháo đường
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), những dấu hiệu khác thường ở da chính là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh đái tháo đường. Nếu không chú ý để phát hiện sớm và để bệnh tiến triển, thì tình trạng da có thể xấu đi và phát triển thêm các vấn đề về da khác.
Đái tháo đường làm suy giảm khả năng chuyển hóa các chất đường, đạm và chất béo... dẫn đến các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ do tuần hoàn kém. Khi tuần hoàn kém, sẽ làm giảm lưu lượng máu cần thiết đến các cơ quan trong cơ thể, trong đó có da. Theo thời gian, cơ thể mất dần khả năng chữa lành vết thương, khiến vết thương lâu lành.
Khi mạch máu nhỏ có nhiệm vụ nuôi dây thần kinh bị tổn thương thần kinh cũng dẫn đến các bệnh về da do đái tháo đường.
Lượng đường trong máu tăng cao sẽ khiến cho các tế bào bạch cầu dần mất đi khả năng chống lại nhiễm trùng. Sự xuất hiện của các vấn đề sẽ trở nên nặng nề và lâu lành hơn.
Các vấn đề về da thường gặp bao gồm:
Bệnh da do đái tháo đường.
Bệnh lý bóng nước do đái tháo đường.
Bệnh cứng da do đái tháo đường.
2. Cách nhận biết và chăm sóc da ở người bệnh đái tháo đường
2.1. Bệnh da do đái tháo đường
Là bệnh phổ biến nhất đặc trưng bởi các khoảng tróc vảy, lõm nhẹ, đốm hình tròn hoặc oval màu nâu nhạt hoặc hơi đỏ; thường xuất hiện ở cẳng chân, vùng xương chày (gặp ở 30% bệnh nhân đái tháo đường).
Trường hợp đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường thì biểu hiện này là điển hình do biến chứng ngoài da. Đối với những trường hợp chưa được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, cần chú ý đi khám sớm để loại phát hiện đái tháo đường giai đoạn sớm.
Các tổn thương da do đái tháo đường thường lành tính. Những biểu hiện này thường không cần điều trị đặc hiệu mà cần kiểm soát đường huyết. Khi đường huyết được kiểm soát tốt cùng việc chăm sóc da tốt thì bệnh sẽ hết sau một thời gian.
Để chăm sóc tổn thương da, tránh nhiễm trùng là điều quan trọng nhất (do da ở người đái tháo đường kém nhạy cảm với nóng/lạnh cũng giảm cảm giác đau). Vì thế, nên lưu ý không để cho da tiếp xúc với nước quá nóng hoặc quá lạnh. Thường xuyên theo dõi vết thương trên da dù là nhỏ nhất.
Dùng kem dưỡng da để bảo vệ và dưỡng ẩm cho da, tránh da bị khô sần, nứt nẻ.
2.2. Bệnh bóng nước do đái tháo đường
Là những tổn thương dạng bóng nước, thường xuất hiện ở bàn chân/bàn tay của bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh xảy ra ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường lâu năm hoặc có nhiều biến chứng, đặc biệt là biến chứng thần kinh.
Các bóng nước trên da thường có kích thước từ từ nhỏ (0,5cm) đến lớn (khoảng 20cm), không đau.
Bóng nước gồm hai dạng thường gặp:
- Bóng nước trong thượng bì: Bóng nước chứa dịch trong, vô trùng và thường tự lành trong vòng 1 tháng và không để lại sẹo.
- Bóng nước dưới thượng bì: Dạng này ít phổ biến hơn nhưng có thể có bóng nước xuất huyết. Các bóng nước khi lành thường để lại sẹo và teo da tại chỗ.
Hầu hết trường hợp bóng nước trong bệnh lý đái tháo đường cũng tự lành và chỉ cần kiểm soát tốt đường huyết mà không cần điều trị gì thêm - trừ khi có bội nhiễm.
Quá trình chăm sóc cần lưu ý: Không được cọ xát, cào gãi, tránh bóng nước bị vỡ, tránh nhiễm trùng và để lại sẹo xấu. Sau khi các bóng nước này xẹp đi, mới bắt đầu chăm sóc da một cách nhẹ nhàng bằng các sản phẩm dành riêng. Các loại kem bôi chỉ nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
2.3. Bệnh cứng da
Khi mắc bệnh đái tháo đường type 1 nhiều năm sẽ tiến triển thành bệnh lý xương khớp do đái tháo đường hoặc cứng da do đái tháo đường. Bệnh thường xuất hiện ở tay với các biểu hiện da dày, căng cứng, phù ở mặt lưng bàn tay. Các khớp ngón tay có thể trở nên cứng, khó cử động. Tình trạng này có thể lan rộng đến vùng cẳng tay, cánh tay. Các vị trí ít gặp hơn như lưng trên, vai, cổ...
Khi tình trạng này xảy ra, ngoài kiểm soát đường huyết tốt, còn phải sử dụng biện pháp vật lý trị liệu, kết hợp massage giúp làm máu lưu thông, làm mềm da để giữ khả năng uốn cong và duỗi thẳng các khớp.
3. Các biểu hiện ngoài da khác
Ngoài 3 biểu hiện ngoài da chính trên, đái tháo đường còn gây ra các vấn đề về da khác, rất ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe nghiêm trọng:
- Loét bàn chân.
- Xơ cứng bì gây dày da ở cổ và lưng trên.
- U hạt lan tỏa là các vết sưng và mảng có thể có màu da, đỏ, hồng hoặc tím xanh xuất hiện trên da.
- Phát ban dạng u vàng (tình trạng này còn có liên quan đến nồng độ cao của cholesterol và triglycerid trong máu) với biểu hiện các nốt màu hơi vàng, mềm và ngứa. Tình trạng này thường xuất hiện đột ngột và lui nhanh khi bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt.
- Các mảng ban vàng giới hạn rõ ở trên và xung quanh mí mắt.
- Các sẩn u lồi, cùng màu da hoặc hồng, nâu có cuống, xuất hiện ở mí mắt, cổ, nách, bẹn.
- Chứng gai đen có biểu hiện là nếp gấp da bị dày lên và sậm màu.
Nhìn chung, với bệnh da do đái tháo đường, điều quan trọng nhất là kiểm soát đường huyết tốt và điều trị các bệnh lý khác đi kèm thì bệnh da sẽ từ từ khỏi. Các biện pháp chăm sóc chủ yếu là tránh nhiễm trùng, tránh tổn thương lan rộng.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-benh-ve-da-do-dai-thao-duong-169230705165931764.htm