Chăm sóc bố mẹ già, hạnh phúc hay áp lực?

Tôi đang ngồi trong phòng làm việc thì Hải - nhân viên vệ sinh – thông báo ngày hôm đó là sinh nhật của mẹ cô ấy. Bà sẽ bước sang tuổi 92 nếu bà còn sống.

Tôi nói với Hải: “Ừ, chị cũng vừa đánh dấu kỷ niệm 6 năm ngày mất của mẹ chị”.

Hải biết câu chuyện của tôi nên cô ấy thoải mái bày tỏ: “Chúng ta là hai người con may mắn khi có những người mẹ tuyệt vời như vậy. Hai người mẹ cũng thật may mắn vì có chúng ta là con gái”. Tôi đồng ý. Hai người mẹ và chúng tôi đã rất may mắn.

Sau đó, Hải tiếp tục kể, vài ngày trước đó, cô gặp một phụ nữ khoảng 70 tuổi. Bà ấy đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng vì một cú ngã khủng khiếp. Bà ấy thú nhận với Hải trong nước mắt, rằng khi bà ấy gọi cho con gái đang ở trại cai nghiện để thông báo tình hình, con gái của bà chỉ đáp chỏng lỏn một câu: “Chuyện đó đâu phải việc của con”.

Sau khi tôi xác nhận mình không nghe nhầm, tôi và Hải chỉ biết nhìn nhau. Cả hai chúng tôi đều lặng lẽ tưởng tượng ra nỗi thống khổ của người mẹ tội nghiệp ấy. Làm sao trên đời lại có một người con vô tâm đến thế?

Tôi nghĩ mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau. Một số bà mẹ có thái độ gắt gỏng hơn là thỏa hiệp, một số thích đòi hỏi hơn là cho đi. Một số người quá quan tâm những thú vui của bản thân, đến nỗi họ không lo lắng về khoản phí mà những người thân yêu của họ phải trả. Nhưng cũng có những cô con gái chỉ đơn giản là không có khả năng chăm sóc mẹ, và coi đó là một sự áp đặt hoặc gánh nặng. Nhiều gia đình thậm chí rối loạn về việc đứa con nào đã làm điều gì cho bố mẹ và đứa con nào làm chưa đủ.

Trước khi mất, mẹ tôi từng nói: “Trên đời có lẽ không có bệnh nhân nào đặc biệt như mẹ”. Khi ấy, ở tuổi 73, mẹ tôi mắc bệnh nan y. Tôi cũng từng nghĩ, không phải người chăm sóc nào cũng may mắn như tôi khi bất ngờ được giao vai trò này”.

Vào thời điểm bệnh của mẹ tôi trở nặng, con trai út trong số ba đứa con của tôi vừa mới học đại học. Tôi gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Nhưng bù lại, tôi có một người chồng luôn thấu hiểu. Anh khuyến khích tôi dành nhiều thời gian cho bố mẹ hơn nếu tôi muốn.

Tôi chỉ sống cách nhà bố mẹ nửa tiếng chạy xe, vì vậy việc đến được với họ không có gì phức tạp. Ba anh chị em của tôi không sống gần bố mẹ nhưng luôn mong muốn giúp đỡ tôi và đến thường xuyên nhất có thể. Mọi việc trong gia đình tôi được thu xếp đâu vào đấy, tôi có thể quản lý được vai trò chăm sóc mẹ. Nhưng nhiều người khác lại không làm được như vậy.

Gần đây, tôi nhận được email của một người bạn cũ. Ở phần cuối, cô ấy viết: “Tớ muốn nói chuyện với bạn về cuốn sách bạn vừa xuất bản, vì nó có vẻ thực sự phù hợp với tớ vào thời điểm này”.

Tôi đã chủ động gọi cho cô ấy, cô ấy giải thích với tôi rằng bố cô ấy đã qua đời sau một cơn mất trí nhớ kéo dài, cô ấy nghĩ rằng cuốn hồi ký của tôi về việc mất cha mẹ và tìm cách vượt qua đau buồn chính là điều cô ấy cảm thấy biết ơn và là một niềm an ủi. Sau đó, cô ấy cũng thừa nhận cô ấy không có nhiều thời gian để đau buồn về cái chết của bố vì hiện cô ấy phải chăm sóc cho mẹ, người đang ở giai đoạn đầu của chứng mất trí nhớ.

Cô ấy cũng đang làm việc toàn thời gian, làm vợ và làm mẹ. Cô ấy tiếp tục chia sẻ một số thách thức mà cô ấy đang phải đối mặt, những cảm xúc mà cô ấy đang cảm nhận. Cuối cùng, cô ấy thốt lên: “Tớ mệt, thực sự mệt bạn ạ”.

Ngay lúc đó, tôi không có công cụ gì để xoa dịu cô ấy. Tôi chỉ nhắc lại cho cô ấy nghe một câu nói nổi tiếng của Rosalyn Carter: “Chỉ có bốn loại người trên thế giới này: những người đã từng là người chăm sóc, những người hiện đang là người chăm sóc, những người sẽ là người chăm sóc và những người sẽ cần người chăm sóc”.

Thủy Kiều

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/cham-soc-bo-me-gia-hanh-phuc-hay-ap-luc-OA4lRLu7g.html