Chăm sóc cây trồng vụ đông xuân
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích các cây trồng trong vụ đông xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, thời gian gần đây, trên một số loại cây trồng đã xuất hiện sâu, bệnh gây hại, như: Bệnh đạo ôn lá xuất hiện, gây hại nhẹ tại các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Vĩnh Lộc và TP Thanh Hóa...
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương kiểm tra tình hình sâu, bệnh trên lúa đông xuân.
Bệnh nghẹt rễ xuất hiện và gây hại nhẹ đến trung bình rải rác ở nhiều địa phương. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn hại nhẹ tại huyện Thường Xuân. Rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện rải rác, mật độ thấp, phổ biến 5 - 15 con/m2, cao 15 - 30 con/m2. Chuột hại nhẹ đến trung bình tại các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa. Trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại nhẹ tại các huyện Yên Định, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa. Dự báo, thời gian tới, các loại sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại. Do đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng.
Trên cánh đồng lúa của thôn Bộ Đầu, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc), thời điểm này, diện tích lúa đông xuân 2020-2021 đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Những ngày gần đây, thời tiết thường có sương mù vào đêm và sáng, nắng ấm vào ban ngày. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển. Trên thực tế, tại một số diện tích lúa của thôn Bộ Đầu xuất hiện rải rác vết bệnh đạo ôn lá. Hơn nữa, nguy cơ cao xuất hiện các loại sâu bệnh khác. Vì vậy, chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để theo dõi tình hình phát triển của lúa, phát sinh sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Bà Lê Thị Thuận, thôn Bộ Đầu, cho biết: Những ngày này, theo khuyến cáo của UBND xã Thuần Lộc, bà thường xuyên thăm đồng để nắm bắt tình hình sâu bệnh. Hiện tại, một số diện tích lúa của gia đình đang có dấu hiệu bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Do đó, bà đang thực hiện các biện pháp phòng, trừ, như: Không để ruộng khô hạn, không bón phân đạm, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến để có biện pháp phun trừ khi bệnh diễn biến nặng.
Vụ đông xuân 2020-2021, huyện Quảng Xương gieo trồng được 8.900 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa 6.550 ha, ngô 150 ha, lạc 170 ha, rau các loại 630 ha, còn lại là các cây trồng khác. Hiện nay các cây trồng trên địa bàn huyện đang sinh trưởng phát triển tốt, lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cây trồng mẫn cảm với nhiều loại sâu bệnh. Vì vậy, huyện đang chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tập trung chăm sóc lúa đông xuân bằng các biện pháp: Làm cỏ sục bùn để hạn chế bệnh nghẹt rễ trên lúa, bón phân cân đối để tránh lãng phí và hạn chế các đối tượng sâu bệnh gây hại. Kết quả kiểm tra, theo dõi của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quảng Xương: Hiện một số diện tích lúa có xuất hiện vết bệnh đạo ôn lá, song chưa đến ngưỡng phải phun trừ. Tại những diện tích trồng lúa trên chân đất vàn cao có tình trạng chuột gây hại. Dự báo thời gian tới có thể xuất hiện thêm các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây trồng. Do đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại cây trồng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, vụ đông xuân là vụ có nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại. Chi cục dự báo, trên cây lúa có thể xuất hiện bệnh lùn sọc đen phương Nam, bệnh đạo ôn lá và cổ bông, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, bệnh đen lép hạt. Trên cây ngô, sâu keo mùa thu, bệnh lùn sọc đen phương Nam, sâu xám, sâu đục thân, rệp cờ, sâu đục bắp. Cây lạc sẽ xuất hiện bệnh lở cổ rễ héo xanh, héo gốc mốc trắng, đốm lá, gỉ sắt, bệnh héo vàng và bệnh thối tia, thối củ sẽ phát sinh gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lạc. Các loại sâu hại, như: sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá lạc có thể phát sinh sớm với mật độ cao và gây hại trên diện rộng...
Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng, chi cục đề nghị các địa phương chỉ đạo cán bộ chuyên môn và bà con nông dân tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng, như: Thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu, bệnh phát sinh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, phù hợp. Khi sâu bệnh đến ngưỡng cần phải thực hiện phun trừ, khuyến khích bà con nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm bảo vệ môi trường và các loại thiên địch.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/cham-soc-cay-trong-vu-dong-xuan/133059.htm