Chăm sóc chấn thương ngoại viện giảm thương vong cho nạn nhân TNGT
Theo nhóm nghiên cứu Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, mô hình chăm sóc chấn thương ngoại viện nên được hoàn thiện và mở rộng đến các đối tượng như lái xe taxi, lái xe ô tô... để biết cách sơ cứu cho nạn nhân khi gặp tai nạn trên đường.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2018, cả nước có 1.226.704 trường hợp mắc tai nạn thương tích (TNTT), trong đó có 9.745 trường hợp tử vong, chiếm tỉ lệ 0,73% so với tổng số mắc TNTT.
Tử vong do TNGT vẫn là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 47,91%, tiếp theo là đuối nước 12,31%, tự tử 11,45%, tai nạn lao động 6,81%.
Theo nhóm nghiên cứu Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, vết thương của nạn nhân TNGT tại chi và khung chậu chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các vị trí (43,1%), thấp nhất là vết thương ở mặt với 3,9%.
Nhấn mạnh nâng cao chất lượng sơ, cấp cứu được xác định là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người trong các vụ TNGT, tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2023, nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho rằng, thực tế năng lực cấp cứu ban đầu hay cấp cứu trước viện tại Việt Nam những năm qua đã có những thay đổi, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết.
Đánh giá về thực trạng chất lượng sơ cấp cứu ban đầu tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy 5,5% cố định xương và 7,2% cầm máu chưa đúng kỹ thuật. Trong một nghiên cứu của JICA (năm 2009), băng vết thương đạt yêu cầu 61,2% (kín và không chảy máu) và 38,8% có băng nhưng không đạt yêu cầu (không kín và vẫn chảy máu), cố định gãy xương có 51,4% đạt yêu cầu (hai đầu xương gãy không di chuyển được) và không đạt yêu cầu là 48,6%. Bên cạnh đó, năng lực của hệ thống cấp cứu 115 cũng còn hạn chế về nguồn lực và trang thiết bị.
Về phương tiện đưa bệnh nhân đến bệnh viện, qua tổng hợp cho thấy, nhiều nhất là xe máy chiếm 56,4%, xe cấp cứu chiếm tỷ lệ thấp với 1,7%.
Trong số 67 nạn nhân TNGT được sơ cứu đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa theo nghiên cứu cho thấy, số nạn nhân được nhân viên y tế sơ cứu ban đầu chỉ chiếm 4,5%, được nhân viên cứu hộ sơ cứu ban đầu chiếm 1,5%, còn lại là người đi cùng chiếm 65,7%
Các chuyên gia cho rằng, theo văn hóa và thói quen của người dân, trong mọi trường hợp cấp bách thường sử dụng phương tiện sẵn có, nhanh nhất có thể để kịp thời đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị. Tuy nhiên, điều này lại có thể nguy hiểm ảnh hưởng tính mạng người bệnh.
Từ đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần hoàn thiện mô hình chăm sóc chấn thương ngoại viện và mở rộng đến các đối tượng như lái xe ôm, xe taxi...để biết cách sơ cứu cho nạn nhân khi gặp tai nạn trên đường.
Hệ thống cấp cứu trước viện, trung tâm cấp cứu và vận chuyển 115 cũng cần phủ rộng tới các huyện, xã. Cơ sở vật chất và trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho cấp cứu ban đầu cần được đầu tư và nâng cấp để người dân biết và tin tưởng hơn khi được sơ cấp cứu.