Chăm sóc da mụn ở tuổi dậy thì
Mụn ở tuổi dậy thì là một vấn đề ám ảnh với nhiều người. Mụn có thể thuyên giảm sau khi bước qua tuổi dậy thì. Tuy nhiên nếu không chăm sóc da mụn đúng cách, có thể viêm nhiễm, tái phát nhiều lần và để lại những tổn thương trên da như sẹo mụn, vết thâm, gây mất thẩm mỹ...
1. Nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì
Mụn là vấn đề ám ảnh với tuổi dậy thì, có thể xuất hiện ở cả nam và nữ.
Có nhiều nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì, tuy nhiên phần lớn nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể. Bình thường, tuyến bã nhờn tiết ra một lượng dầu vừa phải để bôi trơn da và tóc. Khi bước vào độ tuổi dậy thì, nội tiết thay đổi kích thích da tăng tiết dầu, bã nhờn nhiều hơn gây bít tắc lỗ chân lông.
Hơn thế, ở độ tuổi này nhiều bạn trẻ cũng chưa biết cách làm sạch, chăm sóc da đúng cách thì mụn trứng cá sẽ hình thành. Mụn có thể xuất hiện ở mặt, lưng hoặc ngực với nhiều dạng khác nhau như:
Mụn đầu trắng do lỗ chân lông bị tắc nghẽn, đóng kín, sưng đỏ phình ra ngoài.
Mụn đầu đen khi lỗ chân lông tắc nghẽn nhưng vẫn mở, bề mặt sẫm màu.
Mụn bọc xuất hiện khi lỗ chân lông mở, có bã nhờn, tế bào chết, vi khuẩn phát triển, gây vết sưng đỏ.
Lỗ chân lông bị viêm lâu ngày, nhân mụn ẩn khiến da sần sùi, thô ráp.
2. Cách chăm sóc da mụn ở tuổi dậy thì
Để chăm sóc da mụn ở tuổi dậy thì đúng cách, hạn chế mụn ở tuổi dậy thì, cha mẹ nên hướng dẫn con hiểu về tình trạng mụn của mình và thực hiện các bước chăm sóc da mặt:
2.1 Làm sạch da đúng cách
Làm sạch da là bước chăm sóc quan trọng để loại bỏ dầu nhờn dư thừa, tế bào da chết và vi khuẩn, bụi bẩn, từ đó giúp kiểm soát mụn hiệu quả. Nên rửa mặt hai lần một ngày bằng nước ấm với sữa rửa mặt phù hợp với loại da. Đảm bảo loại sữa rửa mặt được sử dụng có tính dịu nhẹ, không gây cảm giác căng rít, bong tróc sau khi rửa mặt.
Trong quá trình rửa mặt, có thể dùng các đầu ngón tay massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn, tránh cậy, chà xát quá mạnh khiến lớp biểu bì bị tổn thương gây kích ứng. Tránh lạm dụng rửa mặt nhiều hơn 2 lần mỗi ngày, việc này có thể gây khô da, tăng tiết dầu, càng làm trầm trọng thêm tình trạng mụn.
Ngoài ra, nên thực hiện tẩy da chết 2-3 lần mỗi tuần bằng sản phẩm tẩy da chết hóa học hoặc vật lý nhằm giảm tình trạng dày sừng, phòng ngừa bít tắc lỗ chân lông.
2.2 Cân bằng da sau khi làm sạch
Sau khi bước rửa mặt, cần cân bằng lại độ pH da và độ ẩm bằng nước hoa hồng, kem dưỡng ẩm phù hợp. Để điều trị mụn ở tuổi dậy thì, trẻ nên được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ da liễu.
Đối với trường hợp nhẹ, sau bước cân bằng da, có thể sử dụng thuốc thoa hàng ngày lên các đốm mụn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc theo đường uống để khắc phục tình trạng viêm. Lưu ý, không nên tự ý nặn mụn tại nhà. Việc tự ý nặn mụn không đúng cách có thể sẽ gây viêm nhiễm, lây lan vi khuẩn, làm nặng tình trạng mụn, thậm chí có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da.
2.3 Thoa kem chống nắng
Ánh nắng mặt trời là một trong những "kẻ thù" hàng đầu gây tác động tiêu cực đến làn da. Vì vậy, để bảo vệ da khỏi tia cực tím, cần thoa kem chống nắng hàng ngày trước khi ra ngoài và thoa lại sau mỗi 2 giờ.
Nên ưu tiên các loại kem chống nắng không chứa dầu cho làn da mụn ở tuổi dậy thì.
2.4 Lưu ý khi trang điểm
Trẻ bị mụn trứng cá trong tuổi dậy thì nên hạn chế trang điểm vì các lớp trang điểm có thể làm cho tình trạng da trở nên tồi tệ hơn. Trong trường hợp cần thiết, nên chọn các sản phẩm trang điểm dành cho da mụn và chú ý các bước làm sạch sau đó để da được thông thoáng và tránh các nốt mụn bị viêm.
Ngoài ra, khi sử dụng keo xịt tóc hoặc gel tạo kiểu tóc nên để tránh xa mặt bởi một số thành phần trong sản phẩm có thể gây kích ứng, làm cho tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu mụn xuất hiện trên vùng lưng, ngực, cần hạn chế mặc quần áo chật, bó sát vì dễ bị cọ xát gây kích ứng. Đặc biệt, không nên dùng tay chạm lên mặt, tự ý nặn mụn.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-da-mun-o-tuoi-day-thi-169230323144820764.htm