Chăm sóc, dặm, tỉa lúa mùa

Sâu, bệnh hại kèm theo hiện tượng thời tiết bất thường, một số diện tích lúa mùa mới gieo cấy của bà con nông dân tỉnh bị chết, kém phát triển. Bảo đảm mật độ, tạo điều kiện cho lúa non sinh trưởng, phát triển tốt, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng dẫn nông dân chăm sóc, cấy dặm lúa mùa.

Trên cánh đồng mẫu xóm 13, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) lúa non sinh trưởng phát triển tốt, tuy nhiên một số diện tích lúa gieo sạ bị mất khoảng, mật độ cây không đồng đều. Bà Trần Thị Phương cho biết, thời điểm xuống giống thời tiết rất bất lợi, nắng nóng kéo dài, nguồn nước sản xuất khan hiếm nên gia đình không thể làm đất để cấy theo dự tính mà phải chuyển hướng sang gieo sạ. Tuy nhiên, vừa gieo sạ xong mưa lớn xảy ra, thóc giống theo dòng chảy của nước bị xô, dồn lại dẫn đến chỗ dày đặc chỗ thưa thớt. Hơn nữa, nạn chuột, ốc bươu vàng cắn phá nên nhiều chòm lúa bị mất, không có khả năng phục hồi. Để bảo đảm mật độ, bà Phương phải cất công tỉa, dặm từ chỗ lúa mọc dày ra chỗ thưa. Theo bà Phương, một công 2 việc bà vừa dặm tỉa, vừa kết hợp làm cỏ sục bùn, bón thúc phân tổng hợp tạo điều kiện để lúa non đẻ nhánh sớm.

Người dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) dặm lại diện tích lúa bị chuột cắn phá.

Người dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) dặm lại diện tích lúa bị chuột cắn phá.

2 đợt mưa lớn hồi tháng 7 đã vùi lấp diện tích lúa mới cấy của bà con nông dân các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình. Thêm vào đó, trận mưa lớn kèm theo lũ ống cục bộ xảy ra trong các ngày 28 đến 31-7 tại một số xã trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Lâm Bình đã làm ảnh hưởng 235 ha lúa múa của bà con. Nhanh chóng khôi phục sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện đã xuống từng địa phương bị úng lụt trực tiếp hướng dẫn bà con nước rút đến té nước rửa bùn đất trên lá lúa, vệ sinh đồng ruộng, giữ mực nước ổn định, khi cây lúa phục hồi mới thực hiện bón đạm. Đối với diện tích lúa vùi lấp, mất khoảng vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, sử dụng mạ dự phòng để dặm lại đảm bảo khung thời vụ. Những diện tích không có khả năng phục hồi, có nguy cơ thường xuyên gặp phải lũ ống bà con nên chuyển đổi cơ cấu để bảo đảm thời vụ.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 25-7, toàn tỉnh đã gieo cấy trên 25.000 ha lúa, đạt 100% kế hoạch, trong đó trên 23.700 ha lúa cấy, còn lại là gieo sạ. Kết quả điều tra cho thấy, hầu hết diện tích lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh rộ, chỉ một số ít diện tích lúa gieo sạ do chuột bọ, mưa lớn hồi giữa tháng 7 bị mất khoảng. Bà con nông dân đã và đang tập trung chăm sóc, dặm tỉa, bảo đảm mật độ, sơ bộ đã có 23.300 ha lúa mùa được chăm sóc đợt 1, trên 11.200 ha chăm sóc đợt 2.

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, đang bước vào cao điểm mùa mưa, trong khi hầu hết diện tích lúa mùa đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ, các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn bà con thường xuyên thăm đồng, tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, mở các cống nội đồng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy tránh trường hợp mưa lớn, nước bị dồn ứ trong các chân ruộng gây gập úng ảnh hưởng xấu đến cây lúa. Đồng thời thực hiện nghiêm quy trình bón phân, bón cân đối N-P-K, bổ sung phân chuồng hoai mục tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tập trung, tăng số nhánh hữu hiệu.

Ông Thanh nhấn mạnh, vụ mùa mức độ gây hại của sâu, bệnh nhiều hơn các vụ khác trong năm, đặc biệt là nghẹt rễ, vàng lụi, khô vằn, bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, ốc bươu vàng... Do đó, bà con cần kiểm tra, theo dõi sát diễn biến sâu, bệnh hại, khi phát hiện dấu hiệu bệnh, áp dụng triệt để các biện pháp phòng trừ, dập dịch ở phạm vi nhỏ, hạn chế đến mức thấp nhất sâu, bệnh lan rộng thành dịch gây khó khăn cho công tác phòng trừ kiểm soát, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa mùa.

Bài, ảnh: Tuấn Hùng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/cham-soc-dam-tia-lua-mua-135311.html