Chăm sóc đào, quất Tết theo các cách sau, đào chơi được đến tận rằm tháng giêng, quất chơi cả đời

Chúng ta đã rất kỳ công để chọn được một cành đào đẹp, phù hợp với ngôi nhà của mình để trang trí trong dịp Tết. Nhưng nếu chỉ để chơi Tết thì quả thực rất phí. Làm theo cách dưới đây sẽ giúp bạn chăm sóc đào Tết để có thể tươi lâu đến ngày Rằng tháng Giêng.

Đối với Đào

Chọn mua hoa đào

Đầu tiên để có được cành đào tươi khỏe ngay từ khâu chọn mua cây/cành đào từ vườn hoặc ngoài chợ, cần phải tránh làm đứt rễ cây, vỡ bầu, làm ảnh hưởng đến sức sống và chất dinh dưỡng cung cấp cho cây. Với đào cành, nên chọn cành tươi, thân khỏe; nụ nhiều và mập mạp.

Chăm sóc hoa đào trong dịp Tết

Bí quyết quan trọng nhất để có cành hoa đào luôn tươi là bạn cần rửa sạch lọ cắm cành đào và dùng nước sạch để cắm hoa. Cần đảm bảo rằng cành đào luôn được cắm trong nước sạch, đặt ở nơi khuất gió và giữ ấm để hoa bền và tươi lâu. Có thể thay nước trong bình cắm hoa 2-3 ngày một lần, mỗi lần thay nước bạn có thể rửa lại phần cành đào nằm trong nước để sạch phần nước cũ. Nếu không có điều kiện để thay nước thường xuyên, còn 1 cách để giữ hoa đào tươi lâu hơn trong dịp Tết là dùng 1 ít dầu rửa bát cho vào nước cắm hoa. Việc làm này có công dụng giúp nước cắm hoa không bị thối, vì thế hoa sẽ được tươi lâu hơn.

Đối với đào cây trồng trong chậu thì nên tưới thường xuyên bằng nước sạch nhưng không được để ẩm ướt quá vì đào ưa khô nên nếu bạn tưới nhiều nước sẽ làm gốc đào úng và thối rễ, cây nhanh hỏng.

Tuyệt đối không đốt gốc cành đào. Bởi khi đốt bằng lửa, gốc cành đào sẽ cháy, không thể hút được nước, chất dinh dưỡng để nuôi cành, làm cho cành đào nhanh héo, hoa chóng tàn. Việc đốt gốc cành đào để giữ hoa tươi là phản khoa học.

Bổ sung thêm dinh dưỡng cho cành đào

Thả vào lọ hoa vài viên B1 để có thêm dinh dưỡng nuôi hoa. Bạn có thể dùng ngay loại dành cho người uống hoặc mua loại B1 chống sốc cho cây có đủ dinh dưỡng hơn. Kali cũng là thành phần bổ sung giúp cung cấp thêm dưỡng chất cho cành đào tươi khỏe.

Cách điều chỉnh để hoa đào nở theo ý muốn

Nếu bạn mua cành đào nụ bé và cận Tết vẫn chưa nở, mẹo đơn giản để hoa nở nhanh là bạn chỉ cần thay nước ấm cắm hoa. Còn với đào cây, điều chỉnh hoa nở nhanh bằng cách đắp vôi xung quanh gốc, chỉ sau một ngày là hoa sẽ nở. Bạn cũng cần bổ sung đủ nước cho đào và giữ đào trong phòng kín, nhiệt độ ấm.

Ngược lại, với đào cành, để hoa nở chậm hơn thì bạn khía nhẹ một vòng quanh thân cách gốc 10-15cm để hạn chế chất dinh dưỡng từ thân lên nuôi hoa, dùng nước lạnh để cắm hoa. Với đào cây trồng trong chậu, bạn rải sỏi lên lớp đất trong chậu giúp làm mát gốc cây, để đào ra ban công thoáng mát sẽ có tác dụng làm hoa nở chậm lại.

Ngày Tết đã qua, nhưng bạn đừng vội vứt bỏ đi cành đào xinh đẹp nhà mình. Hãy thử áp dụng những mẹo trên để cành đào có thể tươi lâu đến tận Rằm tháng Giêng.

Đối với QuấtCây quất chưng Tết xong đừng vứt đi, chăm cây theo cách này, Tết năm sau lại ra đúng vụ.

Nhiều người mua cây quất chưng Tết xong thì vứt đi, vì sang năm để lại cây cũng không còn sung và quả không thể vàng óng như lúc mới mua. Kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn tiết kiệm cho dịp Tết năm sau bằng cách chăm sóc chính cây quất bạn mua từ năm nay. Bằng kinh nghiệm dưới đây, cây quất của bạn sống đời "trường tồn", từ năm này qua năm khác.

Sau Tết bạn đem cây ra khỏi chậu và trồng lại ra chậu mới. Sau 7 ngày kể từ lúc trồng lại cây thì tiến hành xới lại đất, đánh tơi xốp đất xung quanh cây quất và cách tán cây 30-40cm.

Kể từ đó cứ cách 20 ngày thì thực hiện bón phân cho cây đều đặn. Bón phân đầy đủ thúc ra hoa và đậu quả vào tháng 6-tháng 8 âm lịch là vừa đẹp.

Từ tháng 6 trở đi bắt đầu bón phân thúc nhiều hơn cho cây để cây đủ dinh dưỡng ra hoa, kết trái, chín vào dịp Tết là vừa. Nhà nào thích quả quất vừa có quả xanh và quả vàng thì vặt bớt nửa số hoa kết hợp bón phân, tưới nước đầy đủ cây quất được trồng lại ra quả vừa xanh vừa chín vàng đẹp mắt ngày đầu năm.

Cây quất ít gặp bệnh trong lúc trồng tuy nhiên cũng khó tránh khỏi các bệnh theo mùa, rệp, nhện, sâu tấn công. Thế nên khi tưới cây hàng ngày, dành vài phút quan sát cây để kịp thời phòng trừ, ngăn ngừa bệnh, các sinh vật cho cây quất sau Tết được nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Cơ bản những cách chăm sóc cây quất sau Tết chỉ như vậy.

Sau đó chúng ta tiến hành tạo tán, tạo thế khi trồng lại cây quất. Sau khi được trồng và cây phát triển tốt khoảng 1-2 tháng sau thì tiến hành tạo tán, tạo thế, tỉa cành cho cây. Bạn chỉ việc tỉa theo dáng cũ của cây là được. Khi tỉa nên dùng kéo cắt cành, dụng cụ chuyên dụng đầy đủ, thực hiện dứt khoát tránh làm gãy cành, phá tán cây. Nên tỉa cành trong 15 ngày mới trồng lại và thực hiện hàng tháng vì lợi ích của việc tỉa cành không chỉ giữ thế cho cây, giúp cây lấy được nhiều ánh sáng mà còn giúp hoa quả ra sai hơn.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/cham-soc-dao-quat-tet-theo-cac-cach-sau-dao-choi-duoc-den-tan-ram-thang-gieng-quat-choi-ca-doi-172220112080842185.htm