Chăm sóc người tâm thần, trẻ tự kỷ dựa vào cộng đồng
Triển khai chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống bệnh tâm thần, Trung tâm Y tế huyện Tuy An đã cử cán bộ phụ trách chương trình theo dõi bệnh nhân tâm thần và nắm tình hình diễn biến bệnh thông qua sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế thôn, khu phố để hướng người dân quan tâm và có sự hiểu biết về căn bệnh này.
Từ đầu năm đến nay, qua công tác kiểm tra, giám sát tại 15 xã, thị trấn, cho thấy các trạm y tế đã chấp hành và thực hiện tốt quy chế chuyên môn, từ việc quản lý hồ sơ bệnh án ngoại trú, văn bản, sổ sách, ghi chép, theo dõi diễn biến bệnh, việc cấp phát thuốc, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Toàn huyện phát hiện mới 14 bệnh nhân tâm thần, gồm 8 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 6 bệnh nhân động kinh.
“Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và giúp bệnh nhân ổn định, sớm hồi phục, tái hòa nhập cộng đồng, hằng tháng, hằng quý, cán bộ phụ trách chương trình thuộc Trung tâm Y tế huyện phối hợp với trạm y tế xã đến thăm hỏi động viên, hướng dẫn cách uống thuốc đúng liều quy định, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhằm giúp người bệnh tự tin, tiếp nhận điều trị để sớm hòa nhập với cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Tuy An cho biết.
Còn tại TP Tuy Hòa, do nhiều yếu tố khách quan, số lượng người tâm thần, trẻ rối nhiễu tâm trí trên địa bàn ngày càng tăng. Thời gian gần đây, nhất là những ngày nắng nóng, người dân ở phường 3 và bà con tiểu thương chợ Tuy Hòa đều thấy anh N.T.T đi lang thang, xin ăn và la lối khắp các ngõ hẻm quanh khu vực. Bà con xung quanh cho biết, do trước đây không nghề nghiệp, ăn chơi, bị nghiện chất kích thích, rồi áp lực cuộc sống nên giờ anh T rối loạn tâm thần, xin tiền ai không cho thì lớn tiếng nạt nộ.
Ông Bùi Văn An (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa), ngày ngày phải cố gắng thu xếp công việc để chăm đứa con trai 8 tuổi nhưng chưa nói được nhiều. “Lúc nhỏ, tôi để cháu ở nhà rồi lo làm lụng. Sau thời gian thấy cháu ít nói, rồi từ từ có những biểu hiện của trẻ tự kỷ như: không vui, không buồn, không cười nói… tôi vô cùng hoang mang. Gia đình lo chạy chữa, cho cháu học lớp chuyên biệt, chỉ mong cháu ổn định, sớm hòa nhập cộng đồng”, ông An bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Tuy, chuyên viên Phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH), những năm gần đây, công tác trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm. Các ngành chức năng, địa phương đã triển khai đồng bộ chính sách trợ cấp hằng tháng cho gần 2.500 người tâm thần, tạo điều kiện cho gia đình chăm sóc, ổn định cuộc sống.
“Thời gian tới, chúng tôi tham mưu cho sở và tỉnh huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp về tinh thần, vật chất, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí từng bước hòa nhập cộng đồng. Đồng thời thực hiện các biện pháp sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ em tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”, ông Tuy cho biết thêm.
HOÀNG LÊ