Chăm sóc nhãn thời kỳ ra hoa, đậu quả

Toàn tỉnh hiện có gần 4,8 nghìn ha nhãn, trong đó có trên 4,3 nghìn ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Ân Thi… Thời điểm này, nhãn đã phát triển giò hoa, một số cây bắt đầu nở hoa, đậu quả non. Tại các vùng chuyên canh nhãn, chủ vườn đang tích cực áp dụng các biện pháp xử lý cho cây sai hoa, tỷ lệ đậu quả cao, tập trung phòng, trừ sâu, bệnh gây hại.

Thành phố Hưng Yên là vùng trồng nhãn đặc sản quy mô lớn của tỉnh với hơn 1 nghìn ha. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, các nhà vườn đã áp dụng linh hoạt các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất trong chăm sóc nhãn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, trà vụ thu hoạch.

Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) kiểm tra nhãn ra hoa

Dẫn chúng tôi thăm vườn nhãn có diện tích 2 mẫu, ông Trần Văn Uyên ở thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) cho biết: Cây nhãn ở vùng đất bãi thường phát lộc, tán rất khỏe nên tôi thường áp dụng biện pháp khoanh vỏ, tiện cành nhằm hạn chế cây sinh trưởng và phân hóa mầm hoa, nở hoa, đậu quả theo ý muốn. Sau đó tưới đẫm nước trước khi cây ra hoa sẽ cho kết quả cao, đồng thời hạn chế được hiện tượng rụng quả non sau này.

Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) hiện có 40ha nhãn được cấp chứng nhận VietGAP, trong đó có 10% diện tích trà sớm, 70% chính vụ, còn lại là trà muộn. Ông Trần Văn Mý, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Mùa xuân thời tiết thường mưa phùn, nồm ẩm nhiều ngày nên sâu, bệnh trên nhãn phát triển, hợp tác xã đã khuyến cáo hội viên thường xuyên theo dõi sát sao cây trồng, chủ động phun thuốc phòng trừ các bệnh như thán thư, sương mai, sâu bọ hại hoa và quả non theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Huyện Khoái Châu là địa phương có nhiều diện tích trồng nhãn chín muộn, tập trung chủ yếu ở các xã: Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình... Từ đầu năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây nhãn cho các chủ vườn. Những ngày này, nông dân trên địa bàn đang tích cực áp dụng các biệp pháp kỹ thuật để nhãn sai hoa, đậu quả.

Gia đình ông Nguyễn Văn Huynh ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử là một trong những hộ trồng nhãn có tiếng trong xã, trong đó chủ yếu là giống nhãn Miền Thiết, T6 và siêu ngọt. Thăm những cây nhãn đang phát giò hoa, ông Huynh chia sẻ, mấy ngày này, thời tiết nồm ẩm xen lẫn những cơn mưa và đợt không khí lạnh này khiến cây dễ mắc sâu, bệnh gây hại hoa, lộc non, quả non, chăm bón vất rất vả hơn, chi phí tốn kém và có thể ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả…

Hưng Yên có nhiều giống nhãn ngon, song nổi tiếng nhất vẫn là giống nhãn đường phèn và nhãn cùi. Dù chất lượng vào loại thượng hạng, giá bán cao nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu vì một phần nguyên nhân do những giống nhãn này rất “khó tính”, thường “năm ăn quả, năm trả cành”. Để khắc phục điều này, những năm gần đây một số nhà vườn trong tỉnh chủ động nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, sản lượng 2 giống nhãn này. Chị Tạ Thị Thanh Hương ở xã Hạ Lễ (Ân Thi) có 1 mẫu trồng nhãn đường phèn và cùi vân cho biết: Nhãn đường phèn thường ra hoa sớm nên thời gian này tôi tập trung bón phân để cây bảo đảm đủ dinh dưỡng; cắt tỉa bớt để cây quang hợp tốt hơn; áp dụng biện pháp kỹ thuật cùng kinh nghiệm nhằm hạn chế các yếu tố bất lợi từ thời tiết tác động đến quá trình thụ phấn của hoa.

Chăm sóc nhãn là việc quanh năm nhưng khi cây đang kỳ khai hoa, nở nhụy được người làm vườn chú tâm hơn cả, tùy vào tình hình sinh trưởng, số năm tuổi của cây để bón phân, xử lý một cách hợp lý. Theo chia sẻ của các nhà vườn giàu kinh nghiệm, để nhãn cho năng suất cao thì cần có sự kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật chăm sóc hiện đại, đặc biệt phải bảo đảm dinh dưỡng phù hợp cho cây khỏe. Cùng với đó, cần nắm chắc thông tin về diễn biến của thời tiết để chăm sóc cây.

Theo dự báo thời tiết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều ngày âm u, mưa phùn, độ ẩm không khí cao, thuận lợi cho một số loài sâu, bệnh phát sinh và gây hại cho cây nhãn. Để chủ động các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế những ảnh hưởng của thời tiết và sâu, bệnh đến sự nở hoa, đậu quả của cây nhãn, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các nhà vườn chủ động áp dụng các biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất thuận đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây như: nếu xuất hiện mưa có tạp chất (mưa axit) cần phun xịt nước sạch để rửa tạp chất trên cây; bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách kết hợp phun phân bón qua lá cùng với phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh để giảm rụng quả non, bảo đảm năng suất và chất lượng quả; thường xuyên kiểm tra cây, dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, mức độ gây hại của các đối tượng sâu, bệnh hại thời kỳ ra hoa, đậu quả non như bệnh sương mai, thán thư, sâu đo, rệp… để có biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”.

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202302/cham-soc-nhan-thoi-ky-ra-hoa-dau-qua-43912e0/