Chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi
Mùa mưa bão, khí hậu ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh lây lan, nhất là ở các huyện miền núi. Vì vậy cần tăng cường công tác phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe cho người dân.Tiêm vắc xin bạch hầu, uốn ván cho trẻ 7 tuổi
Phát huy hệ thống y tế cơ sở
Theo ngành y tế, các loại dịch bệnh thường xuất hiện ở các huyện miền núi trong mùa mưa là sốt rét, sốt siêu vi, bạch hầu, viêm da dày sừng bày tay, bàn chân, tay chân miệng... Những năm gần đây, trên địa bàn các huyện Trà Bồng, Sơn Hà và Ba Tơ... còn xuất hiện thêm dịch sốt xuất huyết.
Huyện Sơn Hà triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân.
Thời gian qua, tại xã Ba Điền (Ba Tơ) đã xuất hiện bệnh bạch hầu. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền Phạm Văn Ênh cho biết: Bệnh bạch hầu hiện diễn biến rất phức tạp, nên xã đã chỉ đạo cho bí thư chi bộ, trưởng các thôn huy động nhân viên y tế thôn hướng dẫn, tuyên truyền người dân vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, ăn chín uống sôi, mua nước sát khuẩn rửa tay để phòng bệnh.
Đến nay, đa số người dân xã Ba Điền đã ý thức phòng ngừa dịch bệnh. Các cơ quan, trường học, trạm y tế trên địa bàn xã đều có dung dịch sát khuẩn, phòng ngừa dịch bệnh. Tại Làng Rêu - nơi từng xảy ra hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, người dân được tiêm vắc xin phòng ngừa các loại dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Sơn Hà đã xuất hiện 17 ca bệnh sốt rét. Để ngăn chặn dịch lan rộng, Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà đã tiến hành phun hóa chất, tẩm màn cho người dân ở các xã có ca bệnh. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà Đinh Thị Hợi chia sẻ: Năm nay, trên địa bàn chưa có ca mắc mới bệnh bạch hầu, nhưng là địa phương từng xảy ra dịch bệnh này và hiện bệnh sốt rét rất phức tạp. Vì vậy, Trung tâm đã huy động cả hệ thống y tế từ huyện đến xã và y tế thôn tham gia xử lý môi trường, tăng cường giáo dục sức khỏe cho người dân; kiểm soát dịch bệnh ở những vùng trũng, vùng ngập nước.
Tăng cường phòng, chống dịch
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phạm Đức Dũng nhận định: Thời điểm này, dịch bệnh rất dễ bùng phát, nhất là ở các huyện miền núi. Đến nay, Quảng Ngãi đã có 20 ca bệnh sốt rét, 1.571 ca sốt xuất huyết, 812 ca tay chân miệng, 29 ca bệnh bạch hầu. Tuy số ca mắc các loại dịch bệnh có giảm hơn so với năm 2019, chưa có người tử vong, nhưng một số loại bệnh trước đây chỉ có ở đồng bằng, thì nay đã xuất hiện ở các huyện miền núi, có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Sau bão lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo lực lượng phòng, chống dịch các huyện miền núi tăng cường công tác giám sát chặt chẽ các loại bệnh mắc mới, để phát hiện điều trị kịp thời. Đối với những nơi đã xảy ra ca bệnh, thì tiến hành cách ly, điều trị, vệ sinh môi trường, phun hóa chất quanh nhà và những nơi bệnh nhân lui tới. Với những bệnh truyền nhiễm như dịch sốt xuất huyết, bạch hầu... tiếp tục triển khai tiêm phòng vắc xin, vệ sinh môi trường sạch sẽ, chủ động theo dõi các ca bệnh di chuyển từ các nơi về.
Ngoài ra, Trung tâm đã phân bổ 200 nghìn viên Aquatabs, gần 1 tấn Cloramin B, cấp cho mỗi địa phương máy phun chống dịch, dự trữ 150 nghìn viên Aquatabs và một số cơ số thuốc. Trung tâm đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu, uốn ván; đồng thời tăng cường lực lượng hỗ trợ huyện Ba Tơ tiến hành tiêm phòng mũi 2 bệnh bạch hầu đối với trường hợp từ 49 tháng tuổi đến 40 tuổi, nhằm phòng dịch lây lan ra cộng đồng.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phạm Đức Dũng cho biết: Thực hiện Chiến dịch tiêm phòng vắc xin bạch hầu, uốn ván cho trẻ 7 tuổi năm 2020, từ đầu tháng 11.2020 đến nay, Trung tâm đã chỉ đạo các Trạm y tế xã, phường, thị trấn ở 11 huyện, thành phố phối hợp với trường học tiến hành tiêm phòng vắc xin cho trẻ. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 19 nghìn trẻ 7 tuổi được tiêm phòng vắc xin trong đợt này. Đến cuối tháng 11 này, chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu, uốn ván cho trẻ 7 tuổi sẽ hoàn thành.