Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Gặp nhiều khó khăn

Những năm gần đây, cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta cũng đã quan tâm chăm lo cho người cao tuổi (NCT), trong đó có vấn đề chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe cho NCT đang gặp không ít khó khăn, bất cập.

Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành y tế đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực chuyên ngành lão khoa. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, NCT được bố trí bàn khám riêng.

Người cao tuổi được thăm khám tại Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn.

Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai phòng lão khoa tại khoa Khám bệnh và phòng điều trị nội trú cho NCT tại Khoa Nội tim mạch - Lão khoa và Cán bộ trung cao. Ngoài ra, hằng năm, các cơ sở khám, chữa bệnh, các hội và chi hội thầy thuốc trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với Hội NCT các cấp, tổ chức nhiều đợt thăm khám sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho NCT tại nhiều địa phương.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh, mỗi năm có trên 50 nghìn NCT được khám, tư vấn sức khỏe định kỳ; 88 nghìn NCT (chiếm 41,02% NCT) được lập hồ sơ quản lý tại xã/phường/thị trấn; 95,14% NCT khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; xây dựng 711 Câu lạc bộ NCT tại 954 thôn, tổ dân phố và 372 Tổ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi tại 100% xã, phường, thị trấn.

Mặc dù ngành y tế đã không ngừng nỗ lực, song công tác chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là mạng lưới chăm sóc sức khỏe NCT chưa đầy đủ tại các tuyến, nhân lực chuyên ngành lão khoa còn thiếu. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, chi phí khám, chữa bệnh đang ngày một tăng cao. Nếu không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì khi khám, chữa bệnh, bệnh nhân sẽ rất tốn kém.

Hiện, ngân sách nhà nước chỉ mua BHYT cho những người từ 60 đến dưới 80 tuổi đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và người từ 80 tuổi trở lên. Theo số liệu năm 2020, Quảng Ngãi có 147 nghìn NCT có thẻ BHYT, chiếm 77,3% trên tổng số NCT trong tỉnh. Như vậy, còn khoảng gần 23% NCT phải tự chi trả hoàn toàn các chi phí khám, chữa bệnh. Trong khi đó, điều dễ nhận thấy là đời sống kinh tế của phần lớn NCT vẫn còn rất thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới công tác chăm sóc sức khỏe NCT hiện nay.

Đề án chăm sóc sức khỏe NCT, giai đoạn 2017 - 2025 của Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 80% số NCT trong cả nước được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe. Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Trần Văn Thường cho biết: “Ngoài một số huyện thực hiện tốt Chương trình phối hợp về triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng theo quyết định số 484 năm 2017 của UBND tỉnh, vẫn còn không ít đơn vị, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi chưa quan tâm nhiều đến công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT, nên chỉ báo cáo ở dạng chung chung, không có số liệu về NCT được chăm sóc, thăm khám sức khỏe theo định kỳ, tại cộng đồng”.

Một vấn đề đáng lưu tâm là tỷ lệ NCT duy trì việc khám sức khỏe định kỳ hiện vẫn còn ở mức rất thấp. Nhiều NCT sức khỏe yếu, đi lại khó khăn không thể đến bệnh viện khám sức khỏe theo định kỳ. Do đó, khi phát hiện bệnh đã trở nặng, nên chi phí điều trị rất cao và hiệu quả không như mong muốn. “Hội NCT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp các cấp, ngành trong chăm sóc NCT; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc sức khỏe NCT; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương, góp phần tạo sân chơi bổ ích cho NCT”, ông Trần Văn Thường nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PV

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2033/202105/cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-gap-nhieu-kho-khan-3058372/