Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em vùng cao Mường Khương

Đảm bảo quyền tiếp cận của phụ nữ và trẻ em vùng cao với các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành y tế huyện Mường Khương đã tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em trên địa bàn.

Nỗ lực cải thiện dinh dưỡng trẻ em thông qua thay đổi hành vi chăm sóc trẻ, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện Mường Khương đã tổ chức 648 buổi truyền thông dinh dưỡng tại thôn, bản cho hơn 12 nghìn lượt người. Nhờ đó, phụ nữ mang thai, người chăm sóc trẻ ở các thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn đã có kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ.

 Cán bộ y tế tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc trẻ trong 1000 ngày đầu đời.

Cán bộ y tế tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc trẻ trong 1000 ngày đầu đời.

Các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cũng được đẩy mạnh với gần 1000 lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh và tổ chức trên 10 nghìn lượt truyền thông dưới nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp tại thôn bản; thăm hộ gia đình; tư vấn, nói chuyện sức khỏe; lồng ghép với khám - chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Mường Khương đã duy trì thường xuyên hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, tổ chức cân đo cho 6.510 trẻ dưới 5 tuổi; 905 trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được theo dõi hàng tháng; hơn 1.300 phụ nữ mang thai được uống viên sắt, đa vi chất. Với những nỗ lực đó, trong năm 2024, huyện Mường Khương đã có 293 trẻ dưới 5 tuổi thoát khỏi suy dinh dưỡng.

Chị Vàng Thị Dư, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Khương cho biết: Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em ở nhiều xã vùng cao như Tả Thàng, Tả Gia Khâu, La Pan Tẩn... còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và triển khai mô hình dinh dưỡng, phụ nữ trên địa bàn đã được nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe. Theo đó, phụ nữ mang thai biết uống viên sắt phòng thiếu máu cho mẹ và con, biết cách nuôi con, chăm sóc con và cho con tiêm chủng đầy đủ...

 Thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Trạm Y tế xã Lùng Khấu Nhin.

Thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Trạm Y tế xã Lùng Khấu Nhin.

Tại Trạm y tế xã Tung Chung phố, cán bộ của trạm đã phối hợp với đội ngũ y tế thôn, bản thường xuyên nắm tình hình, thống kê số phụ nữ mang thai trên địa bàn để kịp thời tuyên truyền, vận động. Chị Vàng Thị Hoa, Trưởng Trạm Y tế xã Tung Chung Phố cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ y tế thôn, bản, nhiều năm qua, xã Tung Chung Phố không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ ở các thôn khó khăn như Vả Thàng, Văng Leng, Tả Chu Phùng cũng đã chủ động khám thai, sàng lọc trước sinh.

 Truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Tung Chung Phố.

Truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Tung Chung Phố.

Hiện nay, nhiều mô hình, chương trình dân số ý nghĩa đang được huyện Mường Khương tiếp tục duy trì, tác động tốt đến đời sống, sức khỏe của phụ nữ và trẻ em như: Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản; mô hình "Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời"; mô hình nông dân thực hiện công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh…

Trong đó, điển hình là mô hình "Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời" được triển khai với mục tiêu hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong năm, Trung tâm Y tế huyện Mường Khương đã phối hợp với các trạm y tế tổ chức 552 buổi thực hành dinh dưỡng cho 11.136 lượt phụ nữ mang thai và người chăm sóc trẻ tham gia. Trong các buổi sinh hoạt không chỉ có các bà, các mẹ, mà còn có nhiều ông bố tham dự, lắng nghe cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc con.

Chị Lồ Thị Thu Phương, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ sản, Trung tâm Y tế huyện Mường Khương cho hay: Hoạt động của mô hình không chỉ dừng lại ở hiệu quả cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em mà còn góp phần thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng. Công tác vận động, truyền thông dinh dưỡng sâu rộng của cán bộ y tế đã mang lại thay đổi tích cực tại các xã vùng cao hiện nay. Nhiều người đàn ông tham gia quá trình chăm sóc con cái, phụ giúp phụ nữ công việc gia đình, quan tâm đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em...

Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn huyện vùng cao Mường Khương hiện nay còn không ít khó khăn, đặc biệt là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi và suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi còn khá cao tại một số xã nghèo như: La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin.

 Bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Mường Khương khám sức khỏe cho phụ nữ vùng cao Tả Ngài Chồ.

Bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Mường Khương khám sức khỏe cho phụ nữ vùng cao Tả Ngài Chồ.

Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em luôn được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bởi vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, dự phòng, ngành y tế huyện Mường Khương sẽ tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ rào cản, giúp phụ nữ, trẻ em vùng cao tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cham-soc-suc-khoe-phu-nu-tre-em-vung-cao-muong-khuong-post394442.html