Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số
Do nhận thức, địa lý và đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn nên những năm qua việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đang gặp một số rào cản nhất định.
Nhiều hệ lụy đáng buồn
Nhiều năm nay, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước cũng như các cấp, ngành quan tâm với nhiều phương diện khác nhau.
Tuy nhiên, việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền về SKSS đã và đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều yếu tố như: Nhận thức của chính phụ nữ vùng cao về việc mang thai, sinh nở, hậu sản, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe nữ giới nói chung. Quan niệm sinh nở hoàn toàn tự nhiên nên không ít chị em phụ nữ dân tộc thiểu số không chú ý theo dõi thai kỳ của mình.
Tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm hết sức cần thiết.
Việc khám thai định kỳ để kiểm tra tình trạng thai nhi, thực hiện các xét nghiệm để tầm soát và đánh giá dị tật cũng như mức độ rủi ro của quá trình mang thai… chưa được quan tâm đúng mức.
Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019, tỷ suất sinh của người DTTS là 2,35 con/phụ nữ. Mức sinh này cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai có đến các cơ sở y tế khám thai cũng như sinh con tại các cơ sở y tế chỉ đạt 86,4%.
Điều này cũng là một trong số những tác nhân khiến tỉ số tử vong mẹ ở vùng DTTS cao hơn trung bình cả nước. Tỷ số tử vong mẹ của Việt Nam đã giảm đáng kể từ 165/100.000 ca đẻ sống năm 2002 xuống còn 65/100.000 ca đẻ sống vào năm 2018, nhưng tỷ lệ này ở 225 huyện DTTS miền núi và huyện xa xôi nhất vẫn ở mức 104/100.000 ca đẻ sống.
Cùng với đó, vẫn có sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các nhóm dân cư có mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao và thấp, giữa các nhóm DTTS và đa số, và những người sống ở nông thôn và thành thị. Phụ nữ DTTS thuộc các hộ nghèo có nguy cơ không tiếp cận tới được các dịch vụ chăm sóc trước sinh cao hơn 3 lần, không được đỡ đẻ bởi nhân viên y tế có chuyên môn cao hơn 6 lần.
Thời gian qua, dù Việt Nam rất chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe khi sinh cho phụ nữ vùng DTTS, tuy vậy, vấn đề này chưa thật sự đồng đều giữa các dân tộc. Cụ thể, cũng theo kết quả của cuộc điều tra thu thập thông tin, tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai có đến các cơ sở y tế khám thai trong lần sinh gần nhất đạt 88%. Tuy nhiên, một số dân tộc có tỷ lệ phụ nữ khám thai rất thấp, như dân tộc như La Hủ (45,3%), La Ha (63,5%), Mảng (65,9%).
Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con tại các cơ sở y tế đạt 86,4%, phụ nữ DTTS sinh tại nhà có cán bộ chuyên môn đỡ 3,9%, phụ nữ sinh tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ là 9,5%, tại nơi khác là 0,2%; nhưng các dân tộc như, Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%, 38,8%, 37,0% và 36,5%.
Muôn cách để chăm sóc SKSS cho đồng bào dân tộc
Tại tỉnh Đắk Lắk, phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa như Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm, Hòa Phong trước thường sinh đẻ tại nhà nhưng giờ đã có ý thức tìm tới cơ sở y tế để được khám, tư vấn và sử dụng các biện pháp sinh an toàn. Điều này có được nhờ sự hỗ trợ từ Dự án "Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số".
Phòng khám sản khoa được trang bị thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại như máy siêu âm 4D, máy theo dõi sản phụ và trẻ sơ sinh… nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Người dân đã tin tưởng, tìm đến phòng khám nhiều hơn. Mỗi năm trung bình tiếp nhận trên 1.000 ca sản phụ đến khám và sinh đẻ, trước chỉ từ 500 - 700 ca. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền về chăm sóc SKSS và sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện cũng được phòng khám coi trọng.
Tại tỉnh Hà Giang, ngành y tế đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp và mở rộng các dịch vụ chăm sóc SKSS ở các trạm y tế; tổ chức khám phụ khoa tại cộng đồng; thực hiện các thủ thuật KHHGĐ…
Nhiều mô hình truyền thông giáo dục SKSS bằng các hình thức đa dạng, phong phú được triển khai như: Tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sân khấu hóa, tuyên truyền tại các chợ phiên, tại các buổi họp thôn, chi hội phụ nữ…; triển khai mô hình "Cô đỡ thôn bản" tại các thôn, bản khó khăn nhằm đáp ứng công tác chăm sóc và tư vấn về SKSS cho các bà mẹ trong suốt thời kỳ mang thai, sinh nở. Cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS các tuyến cơ sở thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ; cung cấp kiến thức về cấp cứu sản khoa, cấp cứu trẻ sơ sinh; chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em; kỹ năng truyền thông lồng ghép tại cộng đồng; kỹ năng giám sát…
Ngoài ra, cán bộ y tế cơ sở thường xuyên đến trực tiếp các hộ dân, cấp phát thuốc, tiêm phòng các loại bệnh thường gặp trong độ tuổi sinh đẻ; tư vấn, giải đáp các thắc mắc của sản phụ; tăng cường công tác quản lý thai nghén, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho bà mẹ mang thai ở các thôn cách xa trung tâm.
Tỉnh Hòa Bình mới đây đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021 – 2025.
Kế hoạch nêu rõ nhiều chỉ tiêu cụ thể cần cố gắng đạt được như: Ít nhất 80% vị thành niên, thanh niên có hiểu biết về những nội dung cơ bản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Tối thiểu 80% các thầy cô giáo, cha mẹ cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên. Ít nhất 80% thanh niên trẻ là người lao động trong các khu công nghiệp có hiểu biết về các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục…
Mộc Trà