Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh

Sức khỏe tâm thần là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, nhân cách mỗi người, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Trong những năm gần đây, vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh đang trở nên đáng báo động với những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực, cần có sự quan tâm cấp thiết của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội...

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ trò chuyện, chia sẻ giúp người bệnh (lứa tuổi học sinh) tháo gỡ, vượt qua khó khăn.

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ trò chuyện, chia sẻ giúp người bệnh (lứa tuổi học sinh) tháo gỡ, vượt qua khó khăn.

Chuyện buồn tuổi mới lớn

Thân thể khỏe mạnh, học lực khá, tính tình hiền lành... nhưng em G.H.D (15 tuổi ở thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng) phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ khi đang chuẩn bị hành trang vào lớp 10.

Suốt một thời gian dài trước đó, D ngủ kém, thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng khó kiểm soát, trong đầu có ý nghĩ tiêu cực và cảm giác bị một thế lực vô hình chi phối, dày vò, cưỡng bức khó tả. Ở nhà, em thậm chí còn hay mở nắp nồi cơm điện để... kiểm tra, rửa tay nhiều lần mỗi ngày...

Khai thác bệnh sử được biết, từ khi còn nhỏ, D đã lạm dụng điện thoại, nghiện game. Từ năm học lớp 5, gia đình phát hiện ra em bắt đầu thay đổi tính nết nhưng lại chủ quan bỏ qua những thay đổi ấy. Năm này qua năm khác, cảm xúc của D thay đổi ngày càng nhiều theo chiều hướng tiêu cực. Em mất tập trung, học hành sa sút, tâm trí luôn căng thẳng và ngự trị những ảo ảnh hết sức mơ hồ. Mãi đến giữa tháng 7 vừa qua, gia đình mới đưa D đến Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ khám và điều trị. Em được các bác sĩ chẩn đoán mắc rối loạn lo âu ám ảnh cưỡng bức.

Người bệnh tập phục hồi chức năng.

Nhập viện trước D nửa tháng, em H.T.H.C (xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê) phải điều trị chứng rối loạn tâm thần sau sử dụng chất gây nghiện. Sớm lao vào cuộc mưu sinh, sống xa nhà, không có người lớn bảo ban, kèm cặp, C rơi vào vòng vây của cám dỗ: Đua đòi bạn bè hút thuốc lá điện tử, hít bóng cười.

Từ một cô gái cởi mở, hòa đồng, tính tình C bắt đầu thay đổi và trở nên bất thường. Trong đầu em luôn văng vẳng những tiếng chê bai, dọa nạt ám ảnh. Em hốt hoảng, sợ hãi, khóc nhiều, tay chân thường run lẩy bẩy. Biết chuyện, gia đình đón C về nhà và đưa đi khám tại một số cơ sở y tế nhưng tình hình không mấy khả quan. 3 ngày trước khi vào Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ điều trị, bệnh trở nặng, C khóc lóc cả đêm không ngủ với nỗi sợ hãi đeo đuổi, luôn có ảo giác đe dọa, hoang tưởng bị hại.

May mắn thay, sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ chăm sóc, điều trị tận tình bằng các liệu pháp phù hợp, cả D và C đều đã ổn định để trở về với gia đình và cuộc sống đời thường, tiếp tục học hành, làm việc, viết tiếp những hoài bão của tuổi trẻ... Câu chuyện buồn của các em chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần do nhiều nguyên nhân như áp lực cuộc sống, học tập, tác động tiêu cực của môi trường sống, mối quan hệ bạn bè, thói quen sống không lành mạnh, lạm dụng mạng xã hội, sử dụng chất kích thích... mà trong số đó, không ít em đã lựa chọn cách giải quyết tiêu cực, thậm chí cực đoan với bản thân, dẫn đến những hậu quả khiến người lớn, cha mẹ, thầy cô, bạn bè phải đau lòng...

Đồng hành cùng con trẻ

Trong những năm gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên ở độ tuổi học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang ngày một gia tăng. Theo báo cáo “Điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam” do Viện Xã Hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố ngày 18/11/2022, 21,7% số trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó 3,3% đáp ứng các tiêu chí đối với rối loạn tâm thần. Vấn đề rối loạn lo âu phổ biến nhất với 18,6% và trầm cảm chiếm 4,3%.

BSCKII Trần Cảnh Phong - Trưởng khoa Loạn thần cấp tính, Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ cho biết: Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở trẻ vị thành niên là các vấn đề: Lo âu trầm cảm; rối loạn cảm xúc lưỡng cực; rối loạn sau sử dụng chất: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, sử dụng các chất kích thích như cần sa, ketamin, cỏ Mỹ, amfetamin (ma túy đá), MDMA (thuốc lắc), bóng cười có chứa khí N2O; nghiện hành vi như game, mua sắm...; tâm thần phân liệt khởi phát sớm; rối loạn nhân cách... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các rối loạn này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập, sinh hoạt và cả cuộc sống của các em.

Thực tế tiếp nhận học sinh, sinh viên đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ thời gian qua cho thấy, các em thường mắc các rối loạn liên quan đến sử dụng chất kích thích, lo âu trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và tâm thần phân liệt (bệnh nội sinh khởi phát sớm). Trong đó chủ yếu là rối loạn sử dụng chất kích thích và lo âu trầm cảm.

Năm 2023, số lượng học sinh vào Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ điều trị khoảng 35-40 em, trong đó có nhiều học sinh lớp 10-12 mắc rối loạn sử dụng chất kích thích, rối loạn lo âu trầm cảm, thậm chí nhiều em có hành vi cứa tay, có ý định tự sát...

Kết quả của điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam cũng đã nêu bật một thực tế đáng lo ngại: Chỉ có 8,4% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Thậm chí, chỉ có 5,1% cha mẹ xác định trẻ cần giúp đỡ về các vấn đề cảm xúc và hành vi. Nhiều trẻ em, vị thành niên và thanh niên đang phải tranh đấu, vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần, và các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, những hỗ trợ cần thiết...

Mong muốn lớn nhất của các em là sớm khỏi bệnh để được trở về với gia đình và tiếp tục đi học...

Mong muốn lớn nhất của các em là sớm khỏi bệnh để được trở về với gia đình và tiếp tục đi học...

Để mỗi đứa trẻ luôn được chăm sóc tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp các em không cảm thấy cô đơn trên chính hành trình của mình, cần có sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ và cũng chính là trách nhiệm của nhà trường và cộng đồng xã hội với các giải pháp thiết thực và bền vững trong việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho học sinh, tăng cường công tác tâm lý, tham vấn học đường; kiện toàn các dịch vụ y tế, dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện sớm, tư vấn, tham vấn cho trẻ có vấn đề sức khỏe tâm thần... Cùng với đó, mối quan hệ gia đình cũng là nền tảng quan trọng nhất cho việc chăm sóc, phát triển tinh thần lành mạnh ở trẻ.

BSCKII Trần Cảnh Phong đưa ra lời khuyên: “Các bậc phụ huynh hãy đồng hành, theo sát sự phát triển tâm, sinh lý của con, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì... để luôn có sự lắng nghe, thấu hiểu. Cần tạo cho con thời gian biểu phù hợp, môi trường học tập và sinh hoạt thân thiện, thoải mái, lành mạnh, tránh tạo quá nhiều áp lực, nhất là trong việc học hành. Khi thấy con có những thay đổi về thói quen, giấc ngủ, lời ăn tiếng nói... và những dấu hiệu bất thường, cha mẹ, thầy cô nên đóng vai trò như những người bạn, cùng ngồi lại tìm hiểu nguyên nhân, phân tích, khuyến khích trẻ nói ra vấn đề để tìm cách giải quyết. Nếu là những triệu chứng, bất thường khó tháo gỡ, nên sớm cho trẻ tới gặp chuyên gia, bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ, khám, sàng lọc, đánh giá kịp thời và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1591/QĐ-TTg, ngày 8/12/2023 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030. Thực hiện Quyết định này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 549/KH-UBND ngày 5/2/2024 về triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2024-2030, giao các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện. Theo kế hoạch, có 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng...

Cẩm Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/cham-soc-suc-khoe-tam-than-cho-hoc-sinh-217708.htm