Chấm thi tốt nghiệp THPT 2021: Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Ngày 13/7, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Yên Bái và Phú Thọ về công tác chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2021 tại tỉnh Yên Bái

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2021 tại tỉnh Yên Bái

Cùng đi với đoàn có Đại tá Nguyễn Văn Hạ, Phó Cục trưởng A03 – Bộ Công an; TS. Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Yên Bái có bà Vụ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Y tế, Công an, Tuyên giáo, Đoàn Thanh Niên, UBND thành phố Yên Bái…

Về phía tỉnh Phú Thọ có ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc ở GD&ĐT cùng địa diện một số Sở, ngành liên quan.

Không để học sinh bỏ thi vì thiên tai

Thông tin với Đoàn công tác về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Toàn tỉnh Yên Bái tổ chức 1 Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì với 26 điểm thi, 361 phòng thi. Tổng số có 8.110 thí sinh đăng ký dự thi. Tỷ lệ dự thi đạt 99,82%.

Ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái phát biểu tại buổi làm việc

Ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái phát biểu tại buổi làm việc

Hội đồng thi huy động 1.781 người tham gia coi thi. Trong đó, có 1.177 cán bộ coi thi, giám sát; 204 cán bộ bảo vệ, phục vụ; 103 cán bộ công an, 59 cán bộ y tế và 71 cán bộ thanh tra của Sở GD&ĐT và Thanh tra tỉnh Yên Bái.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh Yên Bái đã nhận được sự quan tâm của các bộ ngành, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị tỉnh và sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân nên kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Tuy nhiên Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 phức tạp; địa hình hiểm trở nên nhiều địa phương thí sinh tham dự thi gặp khó khăn trong quá trình đi lại.

“Kỳ thi diễn ra vào tháng 7 là khoảng thời điểm tại tỉnh Yên Bái dễ xảy ra thiên tai, lũ bão nên tỉnh phải lên phương án chi tiết để ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương bám sát tình hình thời tiết, kịp thời hỗ trợ, không để thí sinh phải bỏ thi vì thiên tai.

Đối với công tác chấm thi, hiện tại tỉnh Yên Bái đang thực hiện các khâu đảm bảo đúng quy chế và tiến độ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT”- Phó Chủ tịch Vũ Thị Hiền Hạnh thông tin thêm.

Tại tỉnh Phú Thọ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh có hơn 16.000 thí sinh dự thi tại 39 điểm thi. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp thực hiện tốt công tác chỉ đạo và tổ chức, đảm bảo kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Đảm bảo tiến độ chấm thi

Báo cáo với đoàn về công tác chấm thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết, kỳ thi năm nay, tỉnh Yên Bái có 8.033 bài tự luận. Số cán bộ chấm thi là giáo viên cấp THPT gồm 82 người. Hội đồng thi tổ chức chấm thi tại 1 địa điểm bao gồm 2 khu riêng biệt là khu chấm thi tự luận và khu chấm thi trắc nghiệm.

Buổi làm việc của đoàn công tác tại tỉnh Yên Bái

Buổi làm việc của đoàn công tác tại tỉnh Yên Bái

Ban Chấm bài thi tự luận đã làm việc tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (TP. Yên Bái) từ ngày 12/7; đã hoàn thành công tác chấm chung; từ sáng ngày 13/7 bắt đầu tiến hành chấm hai vòng độc lập theo quy chế. Dự kiến, công tác chấm thi hoàn thành trước ngày 22/7.

Đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, Sở đã trang bị 2 dây máy chấm thi trắc nghiệm gồm 2 máy chủ, 3 máy trạm, 1 máy thư ký, 3 máy Scan, 2 máy in, 1 swich và các thiết bị khác đảm bảo hệ thống kết nối, hoạt động ổn định. Ban chấm bài thi trắc nghiệm đã làm việc từ ngày 10/7; thực hiện 2 dây quét bài thi; đang tiến hành quét bài thi theo đúng tiến độ kế hoạch.

Ngoài lực lượng bảo vệ của đơn vị, Công an tỉnh cử 3 đồng chí tham gia bảo vệ khu vực chấm thi tự luận, 3 đồng chí tham gia bảo vệ, giám sát chấm thi trắc nghiệm; tổ chức trực trông bài thi 24/24 giờ; khu vực chấm thi và phòng chấm thi được lắp cổng từ, thiết bị dò kim loại, có camera an ninh, các phương tiện phòng cháy, máy phát điện dự phòng theo quy định.

Tại tỉnh Phú Thọ, thông tin tới đoàn công tác, ông Phùng Quốc Lập - Phó GĐ Sở GD&ĐT cho biết, lực lượng chấm thi năm nay của Phú Thọ gồm 177 cán bộ, giáo viên. Ban chấm thi sẽ chấm 15.982 bài thi môn Ngữ văn; Ban chấm thi trắc nghiệm sẽ chấm 48.070 bài thi các môn: Toán, Ngoại ngữ và Tổ hợp.

Các ban chấm thi của Phú Thọ được bố trí tại tầng 9, 11, 12 của Trường ĐH Hùng Vương với 7 phòng chấm tự luận và 1 phòng chấm trắc nghiệm. Cùng với đó, khu làm phách được bố trí riêng, có lắp trang thiết bị theo quy định đảm bảo an toàn và bảo mật. Dự kiến, công tác chấm thi của Phú Thọ sẽ hoàn thành trước ngày 23/7.

Lấy quyền lợi của người học làm mục tiêu

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 của tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, đến thời điểm này, công tác tổ chức thi tốt nghiệp tại Yên Bái và Phú Thọ diễn ra bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc và thành công.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc tại tỉnh Phú Thọ

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc tại tỉnh Phú Thọ

Về công tác chấm thi, Thứ trưởng nhấn mạnh: Để đảm bảo mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo chất lượng kỳ thi thì công tác chấm thi phải tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Đặc biệt, phải lấy quyền lợi của người học làm mục tiêu để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Để đảm bảo chất lượng công tác chấm thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu tỉnh Yên Bái và Phú Thọ cần chọn người làm công tác chấm thi phù hợp, nắm rõ qui trình chấm thi. Phân công rõ trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể đối với cán bộ trong quá trình chấm thi. Một bài thi phải được 2 giám khảo ở 2 tổ khác nhau chấm độc lập, nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan.

Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác chấm thi phải hiểu rõ về đáp án và hướng dẫn chấm thi. Đối với việc chấm thi tự luận yêu cầu đảm bảo chính xác, khách quan, đúng quy trình, lưu ý đến những nội dung có tính mở, bài làm vận dụng sáng tạo, đảm bảo quyền lợi của các thí sinh. Với những bài thi tự luận của thí sinh có câu trả lời tương đương với đáp án thì vẫn cho điểm số tối đa.

Đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ khâu sửa lỗi để tránh xảy ra tiêu cực.

Về công tác thanh tra, Thứ trưởng yêu cầu Ban chấm thi phải thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% và qua công tác chấm kiểm tra để có định hướng, điều chỉnh đối với giám khảo chấm thi. Sau này, nếu việc phúc khảo có sự điều chỉnh điểm thì cần phải làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan.

Quá trình chấm thi phải đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, việc quản lý bài thi phải được thực hiện chặt chẽ; tránh tình trạng chấm sót bài thi của thí sinh. Đặc biệt, không đưa thông tin trong bài thi của thí sinh lên mạng xã hội...

Tại buổi kiểm tra, TS. Sái Công Hồng cũng lưu ý đối với lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái và Phú Thọ như: Đối với chấm thi trắc nghiệm, các tổ giám sát yêu cầu tổ chấm thi thực hiện theo đúng quy trình để tránh nhầm lẫn trong các khâu tiếp theo. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ khâu sửa lỗi. Đối với chấm kiểm tra, cần chấm cả những bài điểm cao và điểm thấp để đối chiếu và đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cham-thi-tot-nghiep-thpt-2021-dam-bao-quyen-loi-cho-thi-sinh-C3l7hxm7g.html