Chậm tiến độ, kế hoạch di dời Thủ đô của Indonesia vấp phải nghi ngại

Dự án tham vọng trị giá 33 tỷ USD của Indonesia được công bố vào năm 2019 bị chậm tiến độ đã nhiều tháng.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bắt đầu làm việc tại dinh tổng thống ở thủ đô hành chính mới - vốn là dự án trọng điểm trong hai nhiệm kỳ của ông.

Các công trình đang trong quá trình xây dựng ở Nusantara. Hầu hết các tòa nhà của thành phố đều chưa hoàn thiện. Ảnh: EPA

Các công trình đang trong quá trình xây dựng ở Nusantara. Hầu hết các tòa nhà của thành phố đều chưa hoàn thiện. Ảnh: EPA

Thủ đô của Indonesia theo dự kiến sẽ chuyển từ Jakarta - TP vốn gặp phải tình trạng giao thông tắc nghẽn và đang bị chìm lún, đến Nusantara theo kế hoạch ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Tuy nhiên dự án trị giá 33 tỷ USD được công bố vào năm 2019 bị chậm tiến độ đã nhiều tháng.

Theo ông Widodo, dinh thự tổng thống hiện đã hoàn thành 90% và hàng nghìn công nhân vẫn đang làm việc tại công trường.

TP Nusantara dự kiến sẽ là lần đầu là nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Độc lập Indonesia vào ngày 17/8 tới, dự kiến cũng là lễ chuyển giao chính thức thủ đô từ Jakarta, cách đó khoảng 1.200 km.

Tuy nhiên, kế hoạch di dời của thành phố đã vấp phải nhiều nghi ngại, trong bối cảnh tiến độ xây dựng chậm, làm lỡ thời hạn dự kiến, buộc người đứng đầu Cơ quan Thủ đô Nusantara và cấp phó phải từ chức vào tháng trước.

Hầu hết các tòa nhà của thành phố mới đều chưa hoàn thiện. Một số tòa nhà chỉ có thể sử dụng được các tầng dưới. Sự chậm trễ cũng ảnh hưởng đến kế hoạch di dời 12.000 công chức đến Nusantara bắt đầu từ tháng 7. Bộ trưởng cải cách hành chính Abdullah Azwar Anas cho biết mốc thời gian di dời sẽ được điều chỉnh theo "mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng".

Đầu tháng này, ông Jokowi cho biết Nusantara sẽ hoàn thành khoảng 15% vào Ngày Độc lập, nhưng việc hoàn thiện toàn bộ có lẽ phải đến năm 2045.

Chính quyền Tổng thống Widodo đã dựa rất nhiều vào nguồn đầu tư tư nhân để xây dựng thành phố, trong đó nhà nước chỉ gánh 20% chi phí, chủ yếu chi trả cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, các tòa nhà và tiện ích trong "khu vực cốt lõi" của chính phủ.

Trong nỗ lực thu hút đầu tư, đầu tháng này, ông Widodo đã ký trao cho các nhà đầu tư một số quyền nhất định, bao gồm quyền sử dụng đất lên đến 190 năm tại thủ đô tương lai.

Bộ trưởng Bộ công trình công cộng và nhà ở Basuki Hadimuljono cho biết chính phủ vẫn đang nỗ lực để mua thêm 40 megawatt cung cấp điện cho thành phố, trong khi công suất hiện tại là 10 megawatt do một nhà máy điện mặt trời sản xuất đã được thiết lập tại Nusantara.

Ông cũng cho biết một hồ chứa gần đó cung cấp "đủ để đáp ứng nhu cầu" về nước uống sạch tại thành phố mới.

Mặc dù đã đạt được tiến triển, vẫn còn nhiều nghi ngại đặt ra về thời điểm thủ đô mới chính thức được di dời do ông Widodo vẫn chưa ban hành sắc lệnh chính thức. Cho đến khi sắc lệnh được ký, Jakarta vẫn là thủ đô của Indonesia.

Ông Widodo từng ám chỉ, sắc lệnh có thể được ban hành bởi tổng thống đắc cử Prabowo Subianto, người dự kiến nhậm chức vào ngày 20/10 tới.

Việc thiếu các nhà đầu tư vào siêu dự án này cũng khiến ông Prabowo rơi vào thế khó sau khi tuyên thệ nhậm chức. Theo Sulfikar Amir, phó giáo sư khoa học, công nghệ và xã hội tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, việc vội vã triển khai dự án đầy tham vọng này đã gây ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch và huy động tài chính một cách đáng kể.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cham-tien-do-ke-hoach-di-doi-thu-do-cua-indonesia-vap-phai-nghi-ngai.html