Chậm trễ dịch vụ thu phí ETC
Được kỳ vọng là giải pháp mang lại sự minh bạch trong việc thu phí đường bộ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện giao thông. Nhưng tới thời điểm này, người tham gia giao thông vẫn chưa mấy mặn mà với dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC, vì sao?
Ngày 29/7 vừa qua, khi qua trạm thu phí cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ, xe ô tô của anh Nguyễn Hoàng An hết tiền trong thẻ VETC, nhưng khi hỏi nhân viên bán vé thì nhận được câu trả lời “thẻ dán VETC chỉ bán trong giờ hành chính!”.
Tương tự, một số người tham gia giao thông phải tiếp tục mua vé để qua trạm thu phí vì muốn mua thẻ vào giờ nghỉ trưa nhưng không có người bán. Anh An cho rằng: Đã trạm thu phí thì giờ nào cũng có ô tô đi qua, vậy đồng nghĩa với việc bán thẻ VETC không thể chỉ trong giờ hành chính.
Bên cạnh đó, anh Trần Văn Hòa cũng bức xúc: dịch vụ chưa đồng bộ, bởi khi mua thẻ VETC được kích hoạt tài khoản, số tiền được báo vào tin nhắn điện thoại. Nhưng thẻ hết tiền lại không có tin nhắn báo. Vì thế lái xe đi vào làn thu phí tự động không dừng lại phải lùi ra. Mà theo quy định đi nhầm làn sẽ bị phạt.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, trước khi triển khai sử dịch VETC, các lái xe sẽ được tuyên truyền, nhắc nhở về việc sử dụng thẻ VETC cũng như việc đi vào làn VETC tại trạm thu phí. Sau 1 tháng, nếu xe không dán thẻ VETC mà đi vào làn ETC sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng.
Như vậy người tham gia giao thông đặt câu hỏi việc thẻ hết tiền mà lái xe không biết liệu có bị phạt hay không? Chưa kể, khi lái xe muốn tìm hiểu dịch vụ VETC nhưng nhân viên bán vé ở một số trạm thu phí cũng chẳng mấy nhiệt tình chỉ dẫn….
Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, đến nay cả nước có khoảng 830.000 phương tiện dán thẻ VETC thu phí không dừng, thế nhưng tỷ lệ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng rất thấp. Nhiều trạm thu phí tại địa phương khi triển khai, lắp 2 làn rồi mới chỉ đạt 10 - 20% phương tiện sử dụng, dù Bộ GTVT đã tuyên truyền rất nhiều nhưng vẫn chưa làm thay đổi được thói quen của người dân.
Cụ thể như QL 5 qua gần 4 tháng triển khai số lượng phương tiện sử dụng mới chỉ chiếm từ 6-8%, hay cao tốc cửa ngõ phía Nam Thủ đô là Pháp Vân - Ninh Bình cũng chỉ chiếm 25% trên tổng lượng phương tiện qua trạm.
Còn theo Sở Giao thông vận tải TP HCM số lượng phương tiện giao thông sử dụng dịch vụ thu phí ETC còn thấp, chưa phát huy hết hiệu quả trong việc nâng cao năng lực thông hành các phương tiện lưu thông qua trạm.
Đơn cử, trạm thu phí An Sương - An Lạc từ lúc đưa vào hoạt động đến nay số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC chỉ chiếm 3,66% tổng số lượt phương tiện lưu thông qua trạm thu phí. Đối với trạm thu phí cầu Phú Mỹ, đến nay số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC chỉ chiếm 24% tổng số lượt phương tiện lưu thông qua trạm thu phí.
Nguyên nhân lượng người dùng ít được sở GTVT TP HCM phân tích: Hiện vẫn chưa có quy định bắt buộc tất cả các phương tiện phải dán thẻ đầu cuối, mở và nộp tiền vào tài khoản trả trước.
Ngoài ra, hệ thống thu phí ETC cũng ghi nhận nhiều trường hợp phương tiện đã dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản nhưng không nộp tiền vào tài khoản…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cham-tre-dich-vu-thu-phi-etc-502823.html