Chậm trễ giải phóng mặt bằng, dự án nâng cấp Quốc lộ 9 qua Quảng Trị bị cắt vốn WB
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9, đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 vay vốn WB sẽ dừng thực hiện do không kịp hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch và hết hạn hiệp định tài trợ. Trong khi đó, dự án vẫn đang thi công dang dở...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi lãnh đạo Chính phủ về dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9, đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1384/QĐ-TTg ngày 04/8/2021. Mục tiêu sử dụng nguồn vốn dư của dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) để đầu tư, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến tuyến Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giúp nâng cao, tăng cường năng lực vận tải, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 13,8 km, điểm đầu tại cảng Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh; điểm cuối giao với Quốc lộ 1 tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ; diện tích sử dụng đất 25 ha; quy mô đường cấp II 4 làn xe.
Thời gian thực hiện năm 2021-2022, với tổng vốn đầu tư 19,05 triệu USD, tương đương 440,38 tỷ đồng trong đó vốn vay IDA của WB 16,75 triệu USD, tương đương 387,31 tỷ đồng. Vốn đối ứng 53,07 tỷ đồng, tương đương 2,3 triệu USD.
UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kịp thời hạn để đảm bảo tiến độ thi công dự án Quốc lộ 9 trong năm 2021-2022. Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình chuẩn bị, hoàn tất thủ tục và triển khai thực hiện dự án.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 21/02/2022. Trong đó, vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương 387,31 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách trung ương 53,07 tỷ đồng.
Hiệp định tài trợ số 5331-VN cho dự án VRAMP và dự án "Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1" kết thúc ngày 31/12/2022.
UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản khẳng định không có khả năng hoàn thành giải phóng mặt bằng trước tháng 06/2024 như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải do phải thực hiện quy trình thủ tục giải phóng mặt bằng đất phi nông nghiệp và có nhiều công trình hạ tầng cần di dời; đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đóng dự án sử dụng vốn vay WB và bố trí ngân sách trung ương để tiếp tục triển khai dự án.
Tuy nhiên, khi hết thời gian thực hiện và hết hạn Hiệp định tài trợ vào ngày 31/12/2022 nhưng dự án vẫn không thể hoàn thành các hạng mục công trình.
Về việc sử dụng vốn ngân sách trong nước thay cho vốn vay WB để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải cho rằng điều này là không khả thi, do đó, kiến nghị dừng thực hiện dự án và sẽ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, lập dự án đầu tư mới trong kỳ trung hạn 2026-2030.
Theo đánh giá, việc các hạng mục giải phóng mặt bằng và công trình còn dang dở không giúp phát huy tác dụng kết nối giao thông và cảng tại tỉnh Quảng Trị nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Căn cứ nội dung nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ dự án "Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1" vay vốn WB đã hết thời gian thực hiện và hết hạn hiệp định tài trợ cần hoàn thành thủ tục đóng dự án.
Do đó, kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải hoàn tất thủ tục thanh, quyết toán và đóng dự án "Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1" vay vốn WB theo quy định của Việt Nam và WB.
Đồng thời, chịu trách nhiệm quản lý và xây dựng phương án tiếp tục đầu tư, hoàn tất những hạng mục dở dang của dự án bằng nguồn vốn phù hợp theo quy định; lưu ý khả năng WB tiếp tục yêu cầu thực hiện khung chính sách về môi trường, xã hội áp dụng đối với dự án.
Trước đó, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về trách nhiệm trong việc chậm trễ triển khai cộng tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án, không hoàn thành đúng tiến độ. Đồng thời, chịu trách nhiệm giải quyết các hệ quả phát sinh (nếu có) liên quan chậm trễ trong triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và hoàn thành trách nhiệm của địa phương trong quá trình quản lý và chuẩn bị, triển khai phương án tiếp tục đầu tư, hoàn tất những hạng mục dở dang của dự án.