Chậm trễ sẽ đánh mất cơ hội

Châu Âu là thị trường lớn về quy mô và có giá trị cao. Tuy nhiên, tháng 10/2017 thủy sản Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng các biện pháp hạn chế khi tiếp cận thị trường này do vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đến nay chúng ta vẫn chưa gỡ được 'thẻ vàng' này.

Là một trọng điểm khai thác trên biển, đồng nghĩa ngành thủy sản Thanh Hóa phải chịu tác động lớn của biện pháp phòng vệ thương mại mà EC áp dụng. Công tác tháo gỡ trên địa bàn tỉnh dù được triển khai đồng bộ, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề tiếp tục đặt ra, hối thúc phải hành động nhanh hơn.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hồi tháng 2/2024, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn Thanh Hóa chuyển biến còn chậm, một số tồn tại, hạn chế chưa khắc phục triệt để. Đáng nói là số lượng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình còn nhiều, diễn ra thường xuyên. Việc giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng còn yếu. Công tác thực thi pháp luật, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU còn hạn chế... Trả lời trên báo chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa Lê Văn Sáng cho biết, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ở Thanh Hóa đã tốt rồi, nhưng việc duy trì hoạt động, thực hiện nghiêm hoạt động của thiết bị mới là vấn đề đáng bàn. Còn nhiều tàu mất tín hiệu, trong đó có nguyên nhân do ngư dân làm mất tín hiệu.

Nỗ lực tháo gỡ IUU không chỉ giúp thủy sản Việt Nam dễ dàng vào thị trường lớn nhất thế giới, mà quan trọng hơn còn là thể diện quốc gia.

Để tháo gỡ được “thẻ vàng” từ EC, bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, đòi hỏi phải có sự tự giác chấp hành của những người trực tiếp khai thác trên biển. Chỉ khi nào giải quyết tốt những vấn đề trên ở toàn bộ các địa phương ven biển, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, thì thủy sản Việt Nam mới có hy vọng.

Một số quốc gia châu Á cũng từng bị EC áp dụng các biện pháp tương tự, nhưng chỉ mất vài ba năm đã gỡ được “thẻ vàng”. Đây là tấm gương để ngư dân Việt Nam soi chiếu, ngành chức năng có thêm quyết tâm.

Dự kiến tháng 4/2024 đoàn thanh tra của EC sẽ tổ chức đợt thanh tra thứ 5 để xem xét gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, trong đó Thanh Hóa là một trong những địa phương trọng điểm. Đây là cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao hơn để giải quyết triệt để những vướng mắc. Bởi, theo thông tin báo chí, thời gian tới EC sẽ phải tập trung vào một số vấn đề chính trị quan trọng, nhiều việc sẽ phải gác lại, trong đó có vấn đề đánh giá về IUU. Nếu lần kiểm tra tới đây chúng ta không thuyết phục được đoàn kiểm tra của EC, thì thủy sản Việt Nam có thể sẽ phải chờ lâu nữa mới gỡ được “thẻ vàng”.

Tại Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 8/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu giám đốc các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU. Trong đó đòi hỏi phải gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã trong công tác kiểm soát tàu cá, phân công cán bộ phụ trách đến từng hộ, chủ tàu cá để tuyên truyền, vận động, răn đe, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu đưa tàu, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của cả nước. Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại, hạn chế như đã chỉ ra, hoàn thành việc khắc phục trong tháng 3/2024.

Phải nhận thức đây là “mệnh lệnh” cuối cùng để các ngành, địa phương liên quan trên địa bàn Thanh Hóa cùng với cả nước tháo gỡ điểm nghẽn cho thủy sản, không thể chậm trễ thêm, để từ đó có sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt hơn.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/cham-tre-se-danh-mat-co-hoi/208878.htm