Chậm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia khiến UBTVQH băn khoăn và yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng
Chiều 11/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn một từ năm 2021 đến năm 2025.
Tiến độ giải ngân vốn của chương trình trong năm 2022 đang quá chậm, mới chỉ đạt 7,88% là vấn đề khiến rất nhiều đại biểu băn khoăn, lo ngại.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay tiến độ giải ngân chung nguồn vốn của Chương trình trong năm 2022 trên cả nước ước đạt 7,88% với tổng kinh phí là trên 1.041 tỷ đồng, trong đó vốn của các tỉnh tự cân đối là 1.028 tỷ đồng. Thời gian từ nay cho tới cuối năm không còn nhiều, để giải ngân được nốt 91,93% như dự kiến đề ra là rất khó khả thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Còn 7 tỉnh chưa phân bổ nguồn vốn của chương trình. Qua kiểm tra của Chính phủ vì sao như thế này, 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch, vậy chậm trễ của những tỉnh này là nguyên nhân từ đâu, do không chấp hành chỉ đạo của Bộ, của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ và Ban điều phối chương trình, hay là do vướng mắc về thể chế và pháp luật. Đề nghị là các đồng chí ngoài việc nêu trong báo cáo thì nêu cụ thể các nhóm vướng mắc là gì”
Bà NGUYỄN THỊ THANH - Trưởng Ban Công tác Đại biểu: “Đây là chương trình mới, yêu cầu tích hợp và lồng ghép. Do vậy chúng tôi thấy tính khả thi trong giải ngân là rất khó khăn. Tôi đề nghị là chúng ta phải cố gắng nỗ lực. Tuy nhiên chúng ta không vì tiến độ giải ngân mà cho ứng và giải ngân không có địa chỉ và không đảm bảo các thủ tục và các yêu cầu. Có nghĩa là tiến độ giải ngân phải đi liền với chất lượng, hiệu quả của việc giải ngân đồng vốn để có hiệu quả”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình hoàn toàn mới và khó, được thiết kế, tích hợp khoảng gần 200 chính sách về dân tộc. Tuy nhiên cũng phải khẳng định, tốc độ giải ngân của năm 2022 như vậy là quá chậm so với mục tiêu yêu cầu đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Thời gian còn lại thì các đồng chí phải bù vào những gì mà thời gian đã chậm. Trước đây chạy đường dài, xuất phát mình còn chậm, chạy tốc độ thấp, bây giờ mình phải chạy nhanh hơn, tăng tốc. Cũng như nông thôn mới và giảm nghèo thôi, có điểm khởi đầu của chương trình nhưng không có điểm kết thúc, nên đây là một sự nghiệp lâu dài. Ngạn ngữ bảo "Muốn chạy nhanh thì đi một mình, mà muốn về đích thì đi cùng nhau", bây giờ phải tăng cường cơ chế điều phối, rồi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, truyền thông phải đẩy mạnh lên nữa, tạo ra phong trào xã hội, nhất là thi đua. Cũng chưa có một cuộc vận động hay phát động nào ở đây cả”
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc rà soát lại tổng thể để có các giải pháp đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn.
Ông TRẦN DUY ĐÔNG - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Có thể đưa vào các tổ công tác rà soát của Chính phủ. Báo cáo với Quốc hội là có 6 đoàn công tác giải ngân đầu tư công thì có giao ban hàng tháng. Hai là đưa vào chương trình của Ban chỉ đạo 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt đối với các địa phương chậm, mà 7 địa phương trong này chưa giao vốn chi tiết của năm 2022.”
Ông HẦU A LỀNH - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: “Tại vì giai đoạn trước có các đề án là Quyết định 2085, 2086, 2 quyết định này đã bố trí sử dụng các công trình ở các địa bàn, địa phương, nhưng trong quá trình đang tổ chức thực hiện, chưa kết thúc thì tích hợp vào trong dự án này. Tích hợp trong dự án này thì bây giờ đang thiếu vốn. Cho nên nguyên tắc là các địa phương sẽ phải bố trí vốn, ưu tiên để giải ngân cho các dự án này trước. Chính vì như thế cho nên khả năng tiến độ giải ngân cuối năm nay sẽ có khả thi, bởi vì chủ yếu tập trung vào các công trình đã đủ điều kiện và đang thiếu vốn.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, sớm ban hành ngay các đề án phân bổ, giải ngân đầu tư còn thấp; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tăng cường cơ chế điều phối, đẩy mạnh truyền thông, tăng tốc thực hiện hơn nữa cho nhiệm vụ giải ngân từ nay đến cuối năm và năm 2023.
Thực hiện : Dương Dung Thùy Linh Anh Đức Vũ Hiếu