Chậm trong nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương cùng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ 6, năm 2023.

Ông Simon Kreye cho biết, Việt Nam có ưu thế của một thị trường tiềm năng để gia tăng hàm lượng nội địa trong phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: TP

Ông Simon Kreye cho biết, Việt Nam có ưu thế của một thị trường tiềm năng để gia tăng hàm lượng nội địa trong phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: TP

Diễn đàn là cơ hội các bên đánh giá nguyên nhân, hiện trạng và tìm cơ chế chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm phổ biến, thực hiện hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.

Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan cho biết, từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này.

Nhờ những chính sách và hành động mạnh mẽ trên, Việt Nam đã trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%.

Theo bà Trần Thị Hồng Lan, việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.

Ông Simon Kreye - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, vấn đề chuyển dịch năng lượng đang là nội dung được quan tâm. Đức tiếp tục là đối tác của các quốc gia đang phát triển, quốc gia có nền kinh tế mới nổi về hợp tác năng lượng và chuyển dịch năng lượng. Việt Nam và Đức cũng triển khai lĩnh vực hợp tác này trong nhiều năm qua, trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng ưu tiên trong hợp tác giữa Chính phủ hai nước. Chính phủ Đức cũng có những hỗ trợ trong lĩnh vực hydro xanh, điện gió ngoài khơi nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng như trung hòa carbon.

Việt Nam có ưu thế của một thị trường tiềm năng để gia tăng hàm lượng nội địa trong phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để bứt phá trong lĩnh vực này, rất cần có các chính sách phù hợp cùng nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt cơ hội thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Trước tiềm năng lớn cùng định hướng đẩy nhanh phát triển và tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo, TS Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, các ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời sẽ đem đến cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo thông qua tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo; đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo; thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.

Để nắm bắt cơ hội này nhằm thúc đẩy chính sách tăng nội địa hóa, quy hoạch, chiến lược phát triển cho ngành này cần rõ ràng, hoàn thiện, minh bạch hơn, từ đó góp phần đưa giá bán điện hấp dẫn để giảm rủi ro và tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho điện năng lượng tái tạo, giúp nhà sản xuất tin tưởng vào quy mô thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, kinh phí phát triển vào một số lĩnh vực ưu tiên trong chuỗi cung ứng thiết bị năng lượng tái tạo, cùng với đó là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các cảng biển để giảm chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, cần xem xét ưu đãi hoặc giảm thuế để tăng khả năng cạnh tranh chi phí cho các nhà cung cấp Việt Nam, phát triển quan hệ đối tác với các DN, cũng như truyền đạt câu chuyện thành công trong các ngành công nghiệp khác liên quan chuỗi cung ứng.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cham-trong-noi-dia-hoa-san-xuat-thiet-bi-va-dich-vu-363760.html