Chạm vào lịch sử

Ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM có căn hầm cất giấu gần 2 tấn vũ khí của chiến sĩ biệt động Sài Gòn, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968). Trải qua hơn 50 năm, địa chỉ này trở thành điểm đến trải nghiệm thú vị cho nhiều du khách trong nước và quốc tế cũng như các em học sinh.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, phường 5, quận 3, TPHCM giới thiệu về khu di tích lịch sử văn hóa số nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3 - TPHCM. Ảnh: T.G

Khám phá căn hầm “bí mật”

Trong con hẻm nhộn nhịp trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TPHCM, căn nhà số 287/70 là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia “Hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968”, với diện tích khoảng 37 mét vuông, dài 14,9m, rộng 2,5m.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 5, quận 3, TPHCM cho biết: Hội Cựu chiến binh phường 5 là đơn vị được giao quản lý và thuyết minh tại khu di tích này.

Ông Phúc kể: Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Tổng tư lệnh phân khu 6 chỉ đạo lực lượng chiến sĩ Biệt động xây các hầm bí mật ở nội ô để chứa vũ khí và ém quân. Lúc bấy giờ ông Trần Văn Lai (hay còn gọi Năm Lai - Mai Hồng Quế) là cán bộ quân sự Biệt động, ông Lai mua căn nhà 287/70 đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) và đào 1 căn hầm trong nhà. Khi đó ông Trần Văn Lai làm việc tại cơ quan viện trợ U-SOM và Dinh Độc Lập, với nhiệm vụ thiết kế rèm, màn treo cửa trong Dinh.

Theo chỉ đạo của cấp trên, ông Năm Lai đã mua căn nhà này. Lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông đào căn hầm bí mật. Để tránh bị phát hiện, đất sau khi đào được bỏ vào thùng carton chuyển lên ô tô rồi chở ra ngoại thành đổ.

Sau 7 tháng, căn hầm được hoàn thành, trát xi măng dày để chống thấm. Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước để khi “bị lộ” có thể phá ra để làm lối thoát hiểm, và trong hầm có các lỗ thông khí. Miệng hầm được đặt gần cầu thang. Nắp hầm có chốt vặn ở giữa để dùng khoen nhấc lên, diện tích 0,4m x 0,6m.

Từ năm 1966 - 1968, các chiến sĩ Biệt động đã giao chở bí mật gần 2 tấn vũ khí từ căn cứ Củ Chi về đây gồm: Thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, súng AK và súng ngắn, súng B40, lựu đạn… Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, 17 chiến sĩ Đội 5 Biệt động tập trung tại căn nhà này để nhận vũ khí. Các chiến sĩ Đội 5 Biệt động xuất phát trên 3 ô tô và một chiếc Honda tiến về Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Hiện nay, 1 chiếc xe ô tô và chiếc Honda được trưng bày ở căn nhà bên cạnh do con trai ông Lai mua lại lưu giữ trong gia đình.

“Sau trận đánh, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì chúng nghi đây là nơi trú ngụ của Đội Biệt động. Ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo. Căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng chúng không phát hiện có hầm vũ khí ở dưới. Hiện các chiến tích vết đạn bắn vẫn còn găm ở cửa chính căn nhà. Số vũ khí còn lại như: Lựu đạn, súng ngắn, súng AK, súng M16, B40, B41… đều được vô hiệu hóa để trưng bày. Qua trận đánh lịch sử Tết Mậu Thân 1968, đến nay các chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn năm xưa chỉ còn lại 4 người. Thỉnh thoảng họ đến đây giao lưu chia sẻ cho các thế hệ trẻ” - ông Phúc cho biết.

Lưu giữ kỷ vật của Biệt động Sài Gòn

Du khách quốc tế thích thú khi đến tham quan trải nghiệm tại căn hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn. Ảnh: T.G

Du khách quốc tế thích thú khi đến tham quan trải nghiệm tại căn hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn. Ảnh: T.G

Quán cà phê Đỗ Phủ nằm sát căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM. Đây là một trong những căn nhà năm xưa được chiến sĩ Biệt động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai làm nơi chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, được con trai ông Năm Lai mua lại để trưng bày đồ lưu niệm của gia đình.

Theo chú Sáu, người trông coi Quán cà phê Đỗ Phủ, căn nhà gồm ba tầng, diện tích mặt bằng khoảng 70m2, vẫn còn nguyên kiến trúc, nền gạch, mái ngói... như ban đầu. Đặc biệt, nhà có hệ thống hầm kiên cố, lối đi xuống được ngụy trang dưới các viên gạch bông, hầm được dẫn tới cầu thang “bí mật” thông lên lầu 1 ngay dưới bồn nước.

Từ dịp kỷ niệm 50 năm chiến dịch Tết Mậu Thân, đến nay căn hầm được mở cho du khách tham quan miễn phí. Những dấu tích lịch sử một thời hào hùng gần như vẹn nguyên nhờ sự sưu tầm và lưu trữ, bảo tồn hàng trăm kỷ vật của Biệt động Sài Gòn, do con trai ông Năm Lai đầu tư thực hiện.

Chú Sáu hằng ngày vẫn dẫn khách đến tham quan bên trong căn hầm, nơi lưu giữ, trưng bày những chiếc hộp sắt, thùng gỗ cất vũ khí… và đến khu trưng bày các kỷ vật của gia đình ông Lai hay những đồ vật do con trai ông Lai sưu tầm và bảo quản.

Căn nhà được bài trí theo phong cách xưa để tiện cho du khách tham quan. Chiếc ô tô biển NCE 345 mà ông Năm Lai dùng để vận chuyển vũ khí hiện được trưng bày ngay giữa quán cà phê, cũng nằm ngay nắp hầm nơi được du khách hay chọn để chụp hình lưu niệm khi đến tham quan tại đây.

Du khách đến Khu di tích Biệt động Sài Gòn để tham quan, trải nghiệm sẽ được chiêm ngưỡng và tìm thấy rất nhiều kỷ vật gắn với hoạt động của gia đình ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn, đồng thời vừa thưởng thức ẩm thực Sài Gòn xưa.

Tuấn Thụy

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cham-vao-lich-su-4030966-b.html