'Chạm vào rừng là chạm vào chính mình' – Hành trình lắng nghe hơi thở Cát Bà

Hiếm có nơi nào ở Việt Nam hội tụ vẻ đẹp giao hòa giữa rừng và biển như Vườn Quốc gia Cát Bà – nơi những cánh rừng nguyên sinh đổ bóng xuống mặt biển xanh thẳm, nơi từng làn gió mang mùi mằn mặn của rừng, của biển, của đá núi và của thời gian. Ở đó, thiên nhiên như đang thì thầm, vẫy gọi những tâm hồn khát khao được trở về với cội nguồn nguyên sơ.

Vẫn còn đó những vạt rừng “rên xiết”

Cuối tháng Tư, trong thời khắc đất trời chênh vênh giữa hai mùa, tôi đặt chân tới Cát Bà – viên ngọc xanh của thành phố Hải Phòng. Lặng lẽ giữa những ngọn núi đá vôi hùng vĩ và rừng già ngút ngàn, Vườn Quốc gia Cát Bà trải rộng trên diện tích hơn 22.000 ha, là nơi duy nhất ở Việt Nam từ năm 1986 kết hợp hài hòa giữa rừng và biển trong một không gian sinh thái độc đáo. Năm 2004, nơi đây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới – một minh chứng cho giá trị sinh học và cảnh quan hiếm có.

Dù đã bảy tháng trôi qua kể từ khi cơn bão Yagi tàn phá, những dấu vết thiên tai vẫn in hằn trên từng thân cây, gốc rễ. Trong hành trình xuyên rừng dài 12km, tôi bắt gặp cảnh tượng hoang tàn mà xót xa: cây cổ thụ gãy đổ, cành lá ngổn ngang, lớp thảm thực vật từng tươi tốt nay như mang vết thương chưa lành. Tiếng bước chân giẫm lên cành cây khô vang lên thứ âm thanh lạnh lẽo, như lời kể lặng thầm về những ngày rừng oằn mình chống chọi với giông bão.

Vườn Quốc gia Cát Bà trải dài hơn 22.000 ha, là nơi hội tụ của những hệ sinh thái rừng và biển độc đáo bậc nhất Việt Nam.

Vườn Quốc gia Cát Bà trải dài hơn 22.000 ha, là nơi hội tụ của những hệ sinh thái rừng và biển độc đáo bậc nhất Việt Nam.

Theo quy định bảo tồn, những cây gãy đổ sẽ không bị dọn dẹp, mà được giữ nguyên trạng để thiên nhiên tự chữa lành. Một quá trình hồi sinh đầy kiên nhẫn có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm – và ở đó, sự sống hồi sinh từng chút một, lặng lẽ nhưng mãnh liệt.

Quyết rời phố thị ồn ào, tôi tìm về Cát Bà với mong muốn giản dị: được “chạm” vào thiên nhiên, được lắng nghe tiếng rừng bằng cả tâm hồn. Những bước chân đầu tiên đưa tôi qua các lối mòn rợp bóng cây, rồi đến các triền đá sắc nhọn của đá tai mèo – thử thách nhưng hấp dẫn. Tôi vừa đi vừa phải bám rễ cây, thân đá, mỗi bước tiến là một lần mồ hôi rơi nhưng cũng là một lần cảm nhận rõ rệt hơn sự sống nơi rừng già.

Trên hành trình ấy, cây đa khổng lồ hiện ra như một cánh cổng chào mừng người lữ khách. Những rễ phụ buông dài như những dải lụa rừng, lớp vỏ xù xì như đang truyền tải nhịp thở âm thầm của thời gian. Chạm tay vào thân cây, tôi bất giác thấy mình bé nhỏ và được bao bọc bởi điều gì đó rất đỗi thiêng liêng.

Những gốc đa khổng lồ như cánh cổng thiên nhiên giữa rừng già.

Những gốc đa khổng lồ như cánh cổng thiên nhiên giữa rừng già.

Đặt chân tới Ao Ếch – điểm dừng chân giữa rừng sâu – tôi bước vào một không gian gần như siêu thực. Ao cạn mùa này, chỉ còn lớp bùn non lún nhẹ dưới chân, khiến mặt đất như có một mạch sống riêng đang thở, đang cựa quậy âm thầm. Trong khoảng lặng ấy, chỉ còn tiếng gió xào xạc và dấu chân in chậm chạp trên bùn – một khung cảnh khiến người ta lặng người.

Việt Hải – nhịp sống lặng lẽ giữa rừng xanh

Sau hơn 4 tiếng xuyên rừng, tôi tới làng cổ Việt Hải – một thế giới biệt lập giữa vùng lõi của vườn quốc gia. Với chưa đầy 100 hộ dân sinh sống, làng nhỏ này hiện lên như một nốt trầm đẹp đẽ giữa bản giao hưởng của rừng, núi và biển. Ở đây, mỗi hơi thở đều nhẹ nhõm, mỗi nhịp sống đều an nhiên.

Không cần ồn ào, Việt Hải lặng lẽ tồn tại – và chính sự tĩnh lặng ấy lại là điều khiến người ta không thể nào quên. Những mái nhà đơn sơ, những lối mòn đất đỏ, những ánh mắt hiền hậu của người dân – tất cả như níu giữ bước chân và chạm tới miền sâu thẳm nhất trong tâm hồn người lữ khách.

Vẻ đẹp bình yên, thơ mộng tại làng cổ Việt Hải.

Vẻ đẹp bình yên, thơ mộng tại làng cổ Việt Hải.

Rời khỏi Việt Hải khi nắng chiều vẫn còn vương nhẹ trên rừng cây, tôi hiểu rằng, chuyến đi này không chỉ là để “ngắm rừng” hay “nghe biển” – mà là một hành trình đi vào bên trong chính mình. Trong sự rộng lớn, mênh mang của núi rừng Cát Bà, con người trở nên nhỏ bé đến mức có thể tan vào từng hơi thở đất trời.

Chạm vào rừng – không chỉ là chạm vào cỏ cây, đá núi, hay bùn đất, mà là chạm tới sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, giữa hiện tại và quá khứ, giữa hữu hình và vô hình. Và chính trong khoảnh khắc ấy, tôi tìm thấy một phần sâu sắc nhất của bản thân – thứ mà phố xá ồn ào chẳng bao giờ có thể đem lại.

“Chạm” vào Việt Hải cũng là chạm vào một nhịp sống khác – nơi con người hòa vào cỏ cây, núi rừng và sóng biển, nơi chỉ cần hít thở thôi cũng thấy lòng mình nhẹ tênh như áng mây vắt ngang đỉnh núi.

“Chạm” vào Việt Hải cũng là chạm vào một nhịp sống khác – nơi con người hòa vào cỏ cây, núi rừng và sóng biển, nơi chỉ cần hít thở thôi cũng thấy lòng mình nhẹ tênh như áng mây vắt ngang đỉnh núi.

Phương Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cham-vao-rung-la-cham-vao-chinh-minh-hanh-trinh-lang-nghe-hoi-tho-cat-ba-10288907.html