Chạm vào xanh, chạm vào hy vọng

Màu xanh là màu của hy vọng và cũng là màu đại diện cho những bệnh nhân mắc chứng bại não (Cerebral Palsy - CP) nói riêng. Cái tên 'Chạm vào xanh' đã ra đời với ý nghĩa như thế để trở thành tiếng nói chung của cộng đồng 'xanh lá' và niềm hi vọng của người khuyết tật nói chung.

Những sản phẩm của Chạm vào xanh đang được bày bán ở chung cư N04B2 phố Thành Thái, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Những sản phẩm của Chạm vào xanh đang được bày bán ở chung cư N04B2 phố Thành Thái, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Ra đời từ những khát khao

Thân hình bé nhỏ, cong vẹo, chiếc xe lăn nặng nề... nhưng tất thảy những điều đó không ngăn được nụ cười tự tin và đôi mắt sáng đầy nghị lực của Nguyễn Thùy Chi, người đồng sáng lập và là Phó Giám đốc của “Chạm vào xanh” - Doanh nghiệp được người khuyết tật sáng lập và điều hành khi chúng tôi gặp mặt.

Nếu ai quan tâm đến thông tin về cộng đồng những người bại não sẽ không thể không biết về Nguyễn Thùy Chi, cô gái sinh năm 1990 quê ở Lào Cai, đã nghị lực bước qua bệnh tật của mình để bước vào ngưỡng cửa ngôi trường đại học ở Hà Nội - Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào năm 2010.

Từ khi ra đời, với chứng bệnh bại não, tay chân Chi đã không thể cử động theo ý muốn. Chưa hết thiệt thòi, năm lên 3 tuổi, bố mẹ chia tay, Chi ở với bố và ông bà nội. Thương cháu gái không tự chăm sóc được bản thân, ông bà nội thay nhau cõng Chi đi học với suy nghĩ ban đầu để cháu vui. Tay không thể cầm được bút, Chi nhờ bạn bè khi chép bài thì đặt vở của Chi cùng tờ giấy than dưới vở bạn. Về nhà, Chi luôn chịu khó xem lại bài, đọc kỹ sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo nên đã liên tục đạt học sinh giỏi và là tấm gương cho các bạn trong trường noi theo. Được sự động viên, khích lệ của gia đình, bạn bè Chi suy nghĩ “phải làm được điều gì đó” để tự khẳng định mình.

Bùi Thu Hiền cô gái có nghị lực tuyệt vời đã đan những chiếc vòng tuyệt đẹp bằng chân. Ảnh FBCVX

Bùi Thu Hiền cô gái có nghị lực tuyệt vời đã đan những chiếc vòng tuyệt đẹp bằng chân. Ảnh FBCVX

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010, Chi nộp đơn thi vào Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Thương cô học trò khuyết tật hiếu học, cô Mai Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Lào Cai đã lặn lội về Hà Nội liên hệ Bộ GD&ĐT, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội để xin cho Chi được thi và được trường chấp nhận. Thùy Chi là trường hợp đầu tiên của người khuyết tật liệt tay chân được tổ chức phòng thi riêng, có 3 giám thị, một máy quay. Chi đọc bài cho giám thị 1 chép, giám thị 2 ghi âm và quay camera, giám thị 3 giám sát chung. Cuối giờ, Chi đọc kiểm tra lại bài làm của mình. Kết quả Chi đạt 17 điểm, đĩnh đạc bước vào giảng đường của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (nguyện vọng 2).

Câu chuyện cuộc đời với rất nhiều vất vả và nghị lực, nhưng khi trò chuyện với tôi, Nguyễn Thùy Chi lại không nói về mình. Thay vào đó, cô gái say sưa nói về “Chạm vào xanh” và về những người bạn khuyết tật, mà từng người trong số họ đều mang đến cho Chi câu chuyện khiến Chi ngưỡng mộ.

“Người em muốn nói đến đầu tiên là Lưu Thị Hiếu, người bạn đồng niên năm 1990 với em. Hiếu là người Hà Nội, cũng là người bị chứng khuyết tật bại não. Cũng như em Hiếu gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng nghị lực của Hiếu thật tuyệt vời. Từ một bé gái từng bị từ chối vào lớp 1, Hiếu đã học đại học, được học bổng đi du học, thông thạo 3 ngoại ngữ và hiện làm việc tại Phòng điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, phụ trách các vấn đề người khuyết tật tại Liên Hợp quốc” - Chi kể về người bạn của mình.

Thùy Chi và Lưu Thị Hiếu quen nhau khi cả hai cùng tham gia Câu lạc bộ (CLB) người trưởng thành sống chung với bại não Việt Nam. Thực ra trước khi đến với CLB, Hiếu đã biết về Chi, về hành trình đến với Học viện Báo chí và Tuyên truyền của cô bạn và đã thầm cảm phục ý chí của Chi. Cũng như Chi, Hiếu không bao giờ nghĩ mình sẽ đầu hàng khuyết tật, thay vào đó Hiếu luôn khát khao phải làm được điều gì đó thay đổi cuộc sống của người khuyết tật để họ có được sự tự do, tự tại cho riêng mình.

Hai con người cùng ý tưởng gặp nhau và “Chạm vào xanh” đã ra đời như thế. Với “Chạm vào xanh”, Chi và Hiếu luôn cùng một tâm niệm: “Để thay đổi cuộc sống của người khuyết tật, cần thay đổi tầm nhìn, nhận thức của họ thì mới giúp người khuyết tật tự tin, cộng với việc rèn giũa kỹ năng sống độc lập, để từ đó lối sống mới của người khuyết tật sẽ lan tỏa ra cộng đồng”.

Khuyết tật không có nghĩa đầu hàng số phận

Dự án “Chạm vào xanh” của Chi và Hiếu thành lập ngày 16/10/2022 sau những ngày tháng để thực hiện ý tưởng của mình, trên chiếc xe lăn, hai cô gái “lăn” khắp nơi, tìm kiếm các nguồn tài trợ, kết nối các thành viên để vận hành doanh nghiệp. Thời điểm ra đời cũng thật ý nghĩa khi tháng 10 cũng là tháng có Ngày thế giới nâng cao nhận thức về chứng bại não - 6/10.

“Chạm vào xanh” là cầu nối đưa những sản phẩm mà người khuyết tật làm đến với cộng đồng để qua đó cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của người khuyết tật cũng như lan tỏa thông điệp: “Khuyết tật không có nghĩa là sống buồn, là đầu hàng số phận”; “Khuyết tật là bất tiện, chứ không phải bất hạnh”. “Chạm vào xanh” ra đời từ khát vọng của hai cô gái trẻ và cũng là của rất nhiều người khuyết tật khác: sẽ là một “mái nhà” mà ở đó các bạn khuyết tật nói chung và người bại não nói riêng đều có cơ hội để làm việc, tạo một môi trường sáng tạo để ai ai cũng có thể tìm thấy niềm vui.

Những sản phẩm dễ thương của Chạm vào xanh trong đó có vòng tay xinh xắn do Hiền làm. (Ảnh: FBCVX).

Những sản phẩm dễ thương của Chạm vào xanh trong đó có vòng tay xinh xắn do Hiền làm. (Ảnh: FBCVX).

Thùy Chi kể, ban đầu, từ những ngày mới thành lập, “Chạm vào xanh” bán hàng trên kênh trực tuyến và tham gia ở các hội chợ sách, hội chợ cuối tuần. Sản phẩm bán chưa nhiều lắm vì người mua chưa hiểu nhiều về giá trị của những món đồ lưu niệm xinh xắn họ đang cầm trên tay. Không ít những sản phẩm đó không hề được làm theo cách thông thường bằng tay, mà là từ các... đôi chân khéo léo khi người sáng tạo phải nằm bất lực trên giường với cánh tay yếu ớt do chứng bại não (theo y học chứng bại não (Cerebral palsy-CP) là một hội chứng khiếm khuyết về thần kinh xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi, do não bị tổn thương một phần không tiến triển, gây ảnh hưởng đến sự phát triển chức năng vận động, ngôn ngữ, giác quan của người bệnh. Tổn thương não có thể xuất hiện trước, trong hoặc ngay sau khi sinh và tồn tại cả đời).

Nhưng khó khăn không cản được quyết tâm của đôi bạn trẻ. Ngày 16/10 năm nay, “Chạm vào xanh” tròn 1 tuổi và “món quà” sinh nhật lớn nhất đó là dự án đã được nhiều người biết tới thông qua những hoạt động có ý nghĩa như: “Lê la” - cuộc triển lãm của cộng đồng người trưởng thành bị bại não được tổ chức trong trong 2 ngày 30/9 - 1/10/2023 vừa qua, trưng bày những tác phẩm sinh động, đầy màu sắc của 3 họa sĩ mắc chứng bại não, cùng với tranh còn có những sản phẩm thủ công do chính những người khuyết tật làm ra; cuộc triển lãm đấu giá quà tặng do cộng đồng người bại não làm để gây quỹ vào giữa tháng 10/2023... Cũng theo Thùy Chi, qua fanpage Facebook, Instagram, TikTok và mới đây là bán hàng trên Shopee, “Chạm vào xanh” giới thiệu sản phẩm thủ công của người khuyết tật đến cho mọi người. Không dừng lại ở những vị khách thân quen, “Chạm vào xanh” bắt đầu đón chào những vị khách ở các tỉnh, thành khác nhau nhờ sự kết nối của mạng xã hội...

Từ thành công này, Thùy Chi và Lưu Thị Hiếu đang mơ tới một ngày “Chạm vào xanh” sẽ có một cơ ngơi to đẹp hơn căn phòng nhỏ hiện tại ở chung cư N04B2 phố Thành Thái, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người sáng lập “Chạm vào xanh” sẽ tiếp tục tìm kiếm các quỹ đầu tư để vận hành dự án Nâng cao năng lực cho người bại não trưởng thành sống độc lập, để các thành viên có thêm động lực yêu bản thân, bước ra ngoài và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội.

Nguyễn Thùy Chi hạnh phúc với thành công của Chạm vào xanh. (Ảnh: PV).

Nguyễn Thùy Chi hạnh phúc với thành công của Chạm vào xanh. (Ảnh: PV).

Từ trái tim đến trái tim

Có thể nói, “Chạm vào xanh” với sự nỗ lực của hai cô gái trẻ mở ra không gian, môi trường giao tiếp và hòa nhập cho cộng đồng người khuyết tật đã thực sự truyền tải một thông điệp rằng: Người khuyết tật không phải là người đáng thương hay trở thành gánh nặng. Họ có khát vọng được giao tiếp, được lao động và luôn mong muốn đóng góp sức mình vào sự phát triển của xã hội.

Đến với “Chạm vào xanh” để trò chuyện với Thùy Chi, tôi đã tặng cho mình một chiếc vòng tay xinh xắn có màu xanh của chiếc lá non tràn đầy khát vọng và hy vọng. Tác giả của chiếc vòng là Bùi Thu Hiền, một cô gái sinh năm 1999. Với thể trạng khuyết tật đặc biệt nặng, Hiền dành phần lớn thời gian để nằm trên giường và làm bạn với chiếc điện thoại. Qua mạng xã hội, Hiền kết nối với “Chạm vào xanh” để giao lưu và tìm kiếm việc làm. Hiền đã học đan vòng bằng chân và gửi bán ở cửa hàng của “Chạm vào xanh”. Tuy vất vả vì một ngày mới đan xong một chiếc vòng, Hiền vui vì sức lao động của mình được khách hàng trân trọng. “Cũng là người khuyết tật nhưng em thấy mình còn may mắn hơn Hiền nhiều lắm và em ngưỡng mộ Hiền vì sự kiên trì, nhẫn nại và cả dũng cảm của bạn ấy. Mẹ của Hiền đang ngày một già đi và “Chạm vào xanh” đang tìm kiếm hỗ trợ để Hiền có thể sử dụng dịch vụ PA (Personal Assistant - PA - trợ lý cá nhân) giúp cuộc sống dễ dàng và độc lập hơn” - Chi nói.

Nhân tiện nói về những câu chuyện phía sau sản phẩm của “Chạm vào xanh”, để giúp khách hàng hiểu được giá trị của những món hàng lưu niệm đã được làm ra như thế nào và ủng hộ, hiện “Chạm vào xanh” đã và đang được sự ủng hộ của nhiều bạn trẻ không khuyết tật để xây dựng các catalog giới thiệu. Họ có thể đến từ những gia đình có người khuyết tật hoặc từ những bạn trẻ vì cảm mến nghị lực của những người khuyết tật, nhưng ai nấy đều rất nhiệt tình với “Chạm vào xanh” với ước muốn một ngày không xa, người khuyết tật sẽ bước ra khỏi “chiếc lồng” mà cuộc sống không may đã áp đặt lên họ, để vươn tay, ngẩng mặt đón ánh sáng của mặt trời, niềm vui của cuộc sống.

Còn với riêng tôi, người viết bài này, chiếc vòng trên tay như nhắc nhớ, ở đâu đó ngoài kia, vẫn còn rất nhiều cảnh đời cần sự mở lòng, sự giúp đỡ. Và cũng ở đâu đó ngoài kia luôn có rất nhiều tấm gương nghị lực để ta có thể soi vào và ý thức được giá trị cuộc sống mình đang có...

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cham-vao-xanh-cham-vao-hy-vong-post491757.html