Chậm vốn, khó trồng rừng

ĐBP - Hàng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng rừng cho cấp huyện thực hiện. Song mấy năm qua, nguồn vốn từ Trung ương thường phân bổ chậm nên kế hoạch trồng rừng đều không đạt. Ðối với người dân, sau 1 - 2 năm tham gia các dự án trồng rừng nhưng chậm được thanh toán đã không còn mặn mà, nên việc huy động người dân trồng rừng ngày càng khó.

Người dân xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) trồng rừng phòng hộ.

Năm 2020, UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới rừng phòng hộ với tổng diện tích 50ha cho 2 huyện: Mường Chà (20ha) và Ðiện Biên (30ha). Ðến nay, gần hết mùa trồng rừng nhưng việc trồng rừng phòng hộ mới được 24/50ha, đạt 48% kế hoạch. Nguyên nhân chính dẫn đến kế hoạch trồng rừng không đạt vẫn là thiếu vốn.

Trao đổi về vấn đề này, bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðến nay, các địa phương, đơn vị được giao kế hoạch trồng rừng phòng hộ đã chuẩn bị diện tích, cây giống, tuy nhiên do chưa có ý kiến chỉ đạo về bố trí vốn của cấp có thẩm quyền nên các đơn vị chưa có cơ sở để trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán làm căn cứ để tổ chức thực hiện. UBND tỉnh đã có Văn bản số 885/UBND-KTN ngày 31/3/2020 giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ động kết nối, trao đổi thông tin làm việc với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng các bộ ngành liên quan về nội dung UBND tỉnh đề nghị cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giao năm 2019 còn dư để thực hiện đầu tư năm 2020. Tuy nhiên đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc bố trí vốn. Hiện nay, đã gần hết mùa trồng rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Ðầu tư sớm kết nối, trao đổi thông tin, làm việc với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Hiện tại, theo số liệu tổng hợp tại Văn bản số 879/STC-ÐT ngày 5/6/2020 của Sở Tài chính, nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giao năm 2019 còn dư 4,689 tỷ đồng. Số vốn này đủ bố trí để thực hiện khối lượng trồng rừng phòng hộ năm 2020 và chăm sóc rừng trồng chuyển tiếp những năm trước.

Thiếu vốn nhưng kế hoạch giao vẫn phải thực hiện nên các đơn vị được giao các dự án trồng rừng luôn trong trạng thái “vừa làm vừa lo”. Ông Bùi Nam Thái, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Ðiện Biên cho biết: Năm nay, huyện Ðiện Biên được giao trồng mới 30ha rừng phòng hộ và đã tổ chức trồng được 24/30ha, đạt 80% kế hoạch. Kế hoạch tỉnh giao vẫn phải thực hiện nhưng tổ chức trồng rừng trong điều kiện thiếu vốn cũng rất lo lắng. Ðơn cử như mấy năm trước, các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà tổ chức trồng xong nhưng hơn 1 năm sau, nguồn vốn mới được phân bổ để chi trả cho người dân. Do đó, người dân không còn tin tưởng vào các đơn vị thực hiện dự án. Ðối với công tác trồng rừng, khi người dân không đồng thuận thì rất khó thực hiện. Năm nay đơn vị cũng rất khó khăn trong công tác vận động người dân trồng rừng. Mong rằng các cấp có thẩm quyền sớm có ý kiến về việc phân bổ vốn để đơn vị có thể chi trả cho người dân đúng kế hoạch.

Ðược giao chỉ tiêu trồng mới 20ha rừng phòng hộ. Ngay từ đầu năm, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã tổ chức khảo sát vị trí, vận động người dân đăng ký trồng rừng. Dù rất nỗ lực song Ban cũng chỉ vận động được 6 hộ dân đăng ký trồng rừng với tổng diện tích hơn 10ha. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Kế hoạch trồng rừng phòng hộ năm 2020 trên địa bàn huyện rất khó hoàn thành. Ðầu năm, đơn vị vận động được 6 hộ dân đăng ký trồng rừng nhưng đến nay họ lại đổi ý, không đồng ý góp đất trồng rừng. Có 2 nguyên nhân chính, đó là: Các hộ dân so sánh suất đầu tư các dự án trồng rừng phòng hộ (40 triệu đồng/ha) thấp hơn nhiều so với suất đầu tư dự án trồng rừng thay thế (97 triệu đồng/ha). Thứ hai là do hệ quả của việc chậm chi trả tiền cho người dân tham gia dự án trồng rừng năm 2018 nên năm nay người dân không còn mặn mà tham gia. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục vận động song dự kiến sẽ rất khó khăn, kế hoạch trồng rừng chắc chắn không đạt.

Những năm trước, các dự án trồng rừng thay thế luôn được triển khai thuận lợi, hoàn thành đúng kế hoạch vì suất đầu tư cao, nguồn vốn phân bổ kịp thời nên người dân hào hứng tham gia. Năm nay, do khó khăn trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với các dự án đầu tư phát triển nên nguồn vốn trồng rừng thay thế chưa được phân bổ. Do đó, kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2020 cũng khó hoàn thành kế hoạch đề ra. Năm 2020, UBND tỉnh giao chỉ tiêu 80ha rừng trồng thay thế cho 3 huyện: Ðiện Biên (20ha), Tuần Giáo (30ha) và Mường Ảng (30ha). Ðến nay, huyện Tuần Giáo và Mường Ảng đang triển khai thực hiện còn huyện Ðiện Biên không thực hiện vì thiếu vốn.

Ở một diễn biến khác, Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Năm 2018, do thiếu vốn nên đơn vị chậm chi trả tiền trồng rừng phòng hộ cho người dân. Do đó, công tác tổ chức vận động người dân trồng rừng những năm tiếp theo rất khó khăn. Năm nay, dù chưa được giao vốn, triển khai khó khăn nhưng đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng 30ha rừng thay thế. Khác với dự án trồng rừng phòng hộ, nguồn vốn trồng rừng thay thế chắc chắn sẽ được phân bổ và suất đầu tư cao hơn nên vận động người dân tham gia dễ hơn. Dự kiến, hết tháng 7/2020, huyện Tuần Giáo sẽ hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/179244/cham-von-kho-trong-rung