Champagne: Cuộc chiến về sở hữu trí tuệ giữa Nga và Pháp

Xưa nay, khi nhắc đến champagne, rất nhiều người trong chúng ta vẫn hay mặc định rằng đây là tên gọi của một loại rượu vang chất lượng cao. Nhưng trên thực tế, tên của loại rượu này bắt nguồn từ vùng Champagne của Pháp.

Champagne một trong những chỉ dẫn địa lý có giá trị lớn nhất trên thế giới (Ảnh: VNPT School)

Champagne một trong những chỉ dẫn địa lý có giá trị lớn nhất trên thế giới (Ảnh: VNPT School)

Sự khắc nghiệt của thời tiết của vùng đất Champagne đã kéo theo sự thất thường của những vụ nho nơi đây, khi thì bội thu, lúc lại vô cùng khan hiếm. Nhưng chính sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây đã tạo nên những trái nho có hương vị hết sức thơm ngon.

Những sản phẩm rượu vang từ vùng đất Champange đã xuất hiện ở Châu Âu vào thế kỷ thứ V và nổi tiếng cho đến ngày nay. Theo Ủy ban Chuyên gia về Rượu của Pháp, cái tên “champagne”, dùng để chỉ vùng đất quê hương của thức uống này, đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ với vai trò chỉ dẫn địa lý tại 120 quốc gia trên thế giới.

Marie Genand, luật sư của công ty Comité Champagne (công ty chuyên giám sát việc sản xuất và thương mại cho 15.000 nhà sản xuất rượu của vùng Champagne) cho biết: “Rất nhiều người muốn được sử dụng cái tên này.

Cuộc chiến đòi lại tên

Ngày 2/7/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua một đạo luật quy định: chỉ những sản phẩm rượu vang do các công ty Nga sản xuất mới được sử dụng tên gọi “shampaskoye” (nghĩa là champagne bằng tiếng Nga).

Đồng thời, luật yêu cầu những nhà sản xuất rượu champagne của Pháp viết dòng chữ “rượu vang sủi” (sparkling wine) vào mặt sau của những chai rượu được bán ở Nga. Việc này đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ tại Pháp.

Đạo luật này đã gây bất lợi lớn cho những nhà sản xuất và xuất khẩu rượu của Pháp. Charles Goemaere, tổng giám đốc của Hội đồng Champagne của Pháp, một hiệp hội thương mại đại diện cho các nhà sản xuất cho biết: “Chúng tôi thật sự rất sốc. Ảnh hưởng đầu tiên mà chúng tôi phải hứng chịu là thiệt hại tài chính. Đạo luật này thật bất ngờ, thậm chí chúng tôi cũng không thể giải quyết được những đơn hàng champagne đã được đặt trước đây. Việc thay đổi nhãn trên những chai này sẽ tốn rất nhiều công sức và chi phí.”

Phản ứng của các bên

Truyền thông Pháp cho rằng động thái này của Nga là nhằm bảo hộ ngành sản xuất rượu vang sủi của nước này tại Crimea. Trước đây, Nga đã từng cấm nhập khẩu pho mát và những sản phẩm khác của châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây trước cuộc xung đột với Ukraine, từ đó làm thúc đẩy hoạt động sản xuất của địa phương.

Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp của Nga cho biết quy định này đã bị thổi phồng. Cụ thể, mục tiêu của đạo luật này tất cả những loại rượu vang sủi nhập khẩu (từ rượu cava của Tây Ban Nha, rượu prosecco của Italy, đến rượu champagne của Pháp)… bằng một cái tên chung, trong khi đó các nhãn ở mặt trước có thể giữ nguyên.

Ông Pavel Titov, Chủ tịch công ty Abrau-Durso, nhà sản xuất rượu vang sủi hàng đầu của Nga, bày tỏ quan điểm: “Đối với các nhà sản xuất rượu của Nga, được làm việc trong bối cảnh chung của ngành công nghiệp rượu vang toàn cầu là một điều cực kỳ quan trọng. Đối với tôi, rượu champagne hiển nhiên là được làm ở vùng Champagne”.

Với cách giải thích này, công ty sản xuất rượu vang Moet Hennessy đã thỏa hiệp, đồng ý thêm dòng chữ "sparkling wine" vào mặt sau của các chai rượu champagne được bán ở Nga.

Tuy nhiên, Hội đồng Champagne Pháp vẫn không “lọt tai” cách giải thích này và yêu cầu tất cả những nhà sản xuất champagne của Pháp ngừng xuất khẩu sang Nga cho đến khi có thông báo mới, đồng thời kêu gọi các nhà ngoại giao Pháp và Liên minh châu Âu (EU) thay mặt cho họ vận động hành lang.

Hai vị đồng Chủ tịch của Hội đồng Champagne Pháp nhấn mạnh: “Đó là di sản cộng đồng cực kỳ quan trọng của chúng tôi”, đồng thời nêu cao khẩu hiệu: “Champagne chỉ đến từ vùng Champagne của Pháp!”

The CNBC, ông Fredrik Erixon, Giám đốc Trung tâm kinh tế chính trị quốc tế châu Âu (ECIPE) cho biết luật mới của Nga “không ngăn những nhà sản xuất rượu Champagne của Pháp sử dụng nhãn Champagne, cũng như dự luật không phủ nhận rằng có một tên gọi Champagne dành riêng cho vùng của Pháp. Do đó, Pháp và EU không thể giải quyết vấn đề một cách đơn giản nếu họ đưa ra khiếu nại tại WTO”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng Pháp và EU “vẫn có thể thắng kiện trong trường hợp này vì người Nga dường như đã sai lầm” về một chỉ dẫn địa lý đã được xác lập rõ ràng.

Bài học về chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam từ việc Nga cấm sử dụng tên “Champagne”

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc bảo hộ tên “Champagne” được gọi là “chỉ dẫn địa lý”. Thương mại quốc tế thừa nhận chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ một quốc gia, khu vực hay địa phương; nguồn gốc địa lý của chúng bảo đảm chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính bản địa. Về bản chất, chất lượng và danh tiếng của mặt hàng có được là do nguồn gốc địa lý của nó.

Chỉ dẫn địa lý thường mang lại tiềm năng kinh tế lớn, đặc biệt trên thị trường nước ngoài. Từ câu chuyện tranh chấp tên gọi champagne ở trên, Việt Nam có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về chỉ dẫn địa lý như sau.

Thứ nhất, cần nâng cao hơn nữa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ của sản phẩm để có thể đáp ứng đủ điều kiện cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài.

Thứ hai, doanh nghiệp cần có những thỏa thuận chặt chẽ với đối tác nước ngoài về việc không được đổi tên sản phẩm gắn liền với chỉ dẫn địa lý trong các hợp đồng ngoại thương để bảo vệ tốt hơn sản phẩm chỉ dẫn địa lý, phòng ngừa các xâm phạm không mong muốn có thể xảy ra.

Thứ ba, địa phương cần lên kế hoạch để xây các sản phẩm gắn liền với một vùng, có tiềm năng kinh tế lớn với thị trường xuất khẩu để bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước và nước ngoài ví dụ như: xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm sú Cà Mau, chả mực Hạ Long…. Cuối cùng, doanh nghiệp và địa phương cần luôn gắn liền sản phẩm với quy trình đánh giá chất lượng để tạo nên giá trị bền vững của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Hường Hoàng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/champagne-cuoc-chien-ve-so-huu-tri-tue-giua-nga-va-phap-1658606076021.htm