Champions League ngày một bất công hơn

Các câu lạc bộ giàu có nhất châu Âu đã biến Champions League trở thành giải đấu quá dễ đoán và bất bình đẳng hơn sau mỗi mùa giải.

Philipp Lahm cho rằng những thương vụ mua cầu thủ với phí chuyển nhượng khổng lồ luôn đảm bảo giúp vị thế ở châu Âu rơi vào tay một nhóm các CLB nhất định. Zing lược dịch bài bình luận của cựu tuyển thủ Bayern Munich trên Zeit.

Chiến lược của các đại gia

Barcelona là đội bóng chịu nhiều ảnh hưởng bởi Johan Cruyff, với châm ngôn nổi tiếng "hơn cả một câu lạc bộ". Nhưng ngày nay, mặc dù nợ cao, họ vẫn mua sắm như tất cả những đối thủ còn lại. Barca vung tiền với quy mô mà rất ít đội có thể theo kịp. Các quan chức của Barca biết rằng thị trường chuyển nhượng sẽ còn phát triển trong nhiều năm nữa. Vì vậy, bảng cân đối kế toán trong mắt họ không được tính theo đơn vị năm, mà đo bằng thập kỷ.

Barca mua Robert Lewandowski với giá 45 triệu euro từ Bayern Munich vào mùa hè này. Anh ấy 34 tuổi và không phải người tiếp nối cho truyền thống của tiki-taka. Nhưng Robert 7 lần giành danh hiệu vua phá lưới Bundesliga. Vụ chuyển nhượng của Lewandowski nêu bật một chiến lược phổ biến trong các CLB hàng đầu châu Âu nhiều năm qua: họ mua cầu thủ lẫn nhau để duy trì sự thống trị của mình.

 Ba tiền đạo hàng đầu châu Âu đã chuyển CLB trong mùa hè 2022 này. Ảnh: The Athletic.

Ba tiền đạo hàng đầu châu Âu đã chuyển CLB trong mùa hè 2022 này. Ảnh: The Athletic.

Điều này không mang lại nhiều động lực mới mẻ, bởi vì các cầu thủ gần hoặc đã đạt đến đỉnh cao của họ. Song, các vụ chuyển nhượng này vẫn tạo ra tác động đủ để giúp những CLB hàng đầu duy trì vị thế. Nó đảm bảo rằng các đội mạnh nhất sức mạnh chi tiêu hàng đầu luôn bỏ xa phần còn lại. Nếu chúng ta dự đoán về vòng bán kết Champions League 2022/23, tôi đảm bảo có nhiều những cầu thủ quen mặt sẽ hiện diện ở đó.

Bayern mua Sadio Mane với giá 32 triệu euro. Ở tuổi 30, anh ấy ba lần vào chung kết Champions League với Liverpool, và có thể kết thúc sự nghiệp của mình với một vài danh hiệu quốc gia ở Đức. Câu hỏi về việc làm thế nào anh ấy sẽ thay thế được Lewandowski trên sân vẫn chưa rõ ràng. Lewandowski là một trung phong mục tiêu, trong khi Mane lại chơi theo cách khác. Để làm phức tạp thêm mọi thứ cho Mane, các cầu thủ Đức có xu hướng nắm giữ mọi quyền lực ở Munich. Hai ngôi sao quốc tế, James Rodriguez và Philippe Coutinho, đã không thể tìm được vị trí trong đội hình xuất phát trong khi Lucas Hernandez cần tới hai năm để hòa nhập. Phải nói rằng vụ chuyển nhượng này xảy ra cũng vì bản thân Mane là một cầu thủ giỏi.

Raheem Sterling chuyển đến Chelsea sau khi giúp Manchester City vô địch Premier League 4 lần. Đội chủ sân Etihad rất vui khi bán cầu thủ 27 tuổi với giá 55 triệu euro. Anh ấy phải rời đi vì Pep Guardiola không còn hoàn toàn bị thuyết phục bởi tiền đạo người Anh nữa, cũng như cách chiến lược gia xứ Catalonia mất niềm tin vào Leroy Sane trước kia. Sterling thay thế Timo Werner, người có lựa chọn duy nhất là trở lại Leipzig sau quãng thời gian khốn khổ ở Stamford Bridge.

Real Madrid ký hợp đồng với Antonio Rudiger, người năm nay 29 tuổi và là một hậu vệ có nền tảng thể lực tốt. Rudiger đã giành được danh hiệu cùng Chelsea. Casemiro, 30 tuổi, rời Real để gia nhập Manchester United. Giá là 70 triệu euro, và đội bóng này chơi ở Europa League.

Liverpool làm mọi thứ hơi khác một chút, khi thay thế Mane bằng những tiền đạo trẻ hơn và chưa thành danh. Điều đó phù hợp với Jurgen Klopp; ông ấy muốn biến họ thành cầu thủ của mình. Italy không còn thu hút các ngôi sao như những năm 90 của thế kỷ trước, tiêu biểu như vụ Juventus bán Matthijs de Ligt cho Bayern với giá khoảng 70 triệu euro.

Tuy nhiên, có hai vụ chuyển nhượng nổi bật và khiến người ta phải suy ngẫm trong mùa hè này, Erling Haaland, 22 tuổi, người chơi xuất sắc ở Bundesliga, chuyển đến Man City với giá 60 triệu euro. Với sự hỗ trợ đáng kể về tài chính trong 6 năm qua, Guardiola biến Man City trở thành một trong những đội mạnh nhất của châu Âu. Giờ đây, ông ấy có một thứ mà cỗ máy chiến thắng được tinh chỉnh của mình thiếu trước đây: một tiền đạo dứt điểm tốt và hoàn toàn có thể được nhào nặn trở thành ngôi sao sáng nhất đội, bên cạnh Kevin De Bruyne.

Câu chuyện chuyển nhượng lớn khác lại là một thương vụ không xảy ra: Real Madrid theo đuổi thất bại Mbappe. PSG thành công trong việc giúp Mbappe chống lại sức cám dỗ từ Real. Song, CLB thủ đô Paris cũng phải trả rất nhiều tiền. Họ tăng lương hàng năm của Mbappe lên 100 triệu euro và chia cho anh 200 triệu euro (tiền lót tay). PSG thuộc sở hữu của nhà nước Qatar, quốc gia có 8 sân vận động hiện đại nhất được xây dựng cho World Cup năm nay. Loại cơ bắp tài chính đó khiến chính trị thể thao của thế giới đảo lộn.

 PSG và Man City sở hữu nguồn lực tài chính vượt xa các CLB còn lại. Ảnh: Reuters.

PSG và Man City sở hữu nguồn lực tài chính vượt xa các CLB còn lại. Ảnh: Reuters.

Champions League bất bình đẳng

Với việc sẵn sàng chi ra những con số cao ngất ngưởng trên thị trường chuyển nhượng, PSG và Man City sở hữu hai cầu thủ có thể để lại dấu ấn lớn nhất trên sân khấu bóng đá trong một thập niên tới. Một điều không thể chối cãi: thị trường bóng đá châu Âu đang phát triển mạnh. Đại dịch đã qua. Năm ngoái, UEFA trả hơn 2,7 tỷ euro tiền thưởng và bản quyền truyền hình cho Champions League. Thêm vào đó, tiền từ bên ngoài ngày càng đổ vào bóng đá.

Báo cáo tài chính mới nhất của Deloitte cho biết: "Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đầu tư từ bên ngoài vào 5 giải đấu lớn châu Âu. Chủ sở hữu mới là các cá nhân giàu có hoặc các công ty cổ phần tư nhân. Điều này nhấn mạnh sức hấp dẫn của bóng đá trong con mắt các nhà đầu tư".

Forbes tái khẳng định điều này. Những doanh nhân từ Abu Dhabi đầu tư khoảng 2 tỷ euro vào Man City trong những năm qua và ngày nay CLB tăng giá trị hơn gấp 2. Sau đó là lợi ích chính trị cho các chủ sở hữu, những người sử dụng thể thao để cải thiện hình ảnh của họ.

Giải đấu số 1 cấp CLB châu Âu mang đến những đêm phấn khích như trận bán kết giữa Real và Man City năm ngoái. Nhưng một giải đấu mà chỉ có khoảng 5 câu lạc bộ luân phiên nhau giành chiến thắng có thực sự hấp dẫn? Và đó là những gì chúng ta hay bóng đá châu Âu cần? New York Times viết: "Champions League những năm qua đánh mất đi tính bất ngờ và mọi thứ đều bắt nguồn từ sự bất bình đẳng".

PSG đấu với Man City, cuộc đọ sức của các đối thủ được sở hữu bởi những người Trung Đông, được xem là trận chung kết hợp lý nếu xét tương quan sức mạnh. Và cuộc chiến chi tiêu vẫn chưa kết thúc. Newcastle United có khả năng sẽ thổi phồng thị trường hơn nữa với sự hỗ trợ tài chính họ có.

Đội bóng này trả 70 triệu euro cho Alexander Isak, cầu thủ 22 tuổi người Thụy Điển, người đã thất bại ở Dortmund không giống như Haaland. Nếu tham vọng của họ không chỉ là dự Champions League mà còn cạnh tranh cho chức vô địch châu Âu, "Chích chòe" sẽ phải tốn rất nhiều tiền. 2 tỷ USD có lẽ là không đủ cho các ông chủ Newcastle. Tuy nhiên, chủ sở hữu người Saudi Arabia của Newcastle đủ khả năng chi ra số tiền đó. Tài sản của họ ước tính rơi vào khoảng 320 tỷ USD.

Guardiola: 'Chỉ dựa vào Haaland thì không thể giành Champions League' Thuyền trưởng của Man City không muốn học trò Haaland chịu áp lực trước trận gặp Sevilla ở bảng G tại Champions League 2022/23.

Hồng An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/champions-league-ngay-mot-bat-cong-hon-post1352839.html