Chặn 'cái chết trắng': Cần quyết liệt hơn nữa
Số người nghiện không ngừng tăng, gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho gia đình và xã hội nhưng nghiện, tái nghiện, phạm tội… là điệp khúc mà nhiều người từng hoặc đang sử dụng ma túy trải qua.
“Trước đây tôi hơn 50 kg, có công việc ổn định, có thu nhập, nhìn cũng mũm mĩm. Sau thời gian nghiện thì chẳng còn gì, thân tàn ma dại... Tôi quyết tâm cai xong đi làm lại ở nhà hàng chứ như vầy hoài, chỉ có con đường chết”.
Bạn gái của Tuấn (nhân vật trong loạt bài đã được đổi tên - PV) tâm sự với chúng tôi như vậy. Cô kể rằng mình và người yêu ở cùng quê, gia đình Tuấn rất khá giả. Tuấn có học thức nhưng ham chơi, rồi dính vào nghiện ngập, nhiều lần đi tù nhưng khi ra ngoài thì nghiện lại.
Bạn gái của Tuấn cho biết trước đây mình có công việc ổn định ở nhà hàng. Trước thời điểm TP.HCM bùng phát dịch COVID-19, cô quen biết và có tình cảm với Tuấn nên hai người thuê nhà trọ sống chung. Ở chung, khi thấy người yêu chơi ma túy, cô cũng tập tành “thổi” và sau đó nghiện luôn. Họ cũng đã tìm đến methadone với mong muốn sẽ dứt bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Tuy nhiên sau vài tháng, chúng tôi tình cờ gặp lại thì Tuấn cho hay: Anh và cô người yêu đã không cai được!...
Từ lâu tác hại nhiều mặt và khủng khiếp của ma túy - là nguồn gốc, là “tội phạm của các loại tội phạm” đã được nhận diện và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để ngăn chặn, đẩy lùi. Nhưng bằng nhiều cách “cái chết trắng” vẫn len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống. Đó có thể là con phố Tây nhộn nhịp hay những con hẻm sâu hun hút, những khu biệt thự sang trọng hay vùng ven, nông thôn… Ma túy thâm nhập vào đủ mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội mà nguy hiểm nhất là ma túy thâm nhập vào một bộ phận học sinh, sinh viên.
Cả nước đã và đang ra sức ngăn chặn, đẩy lùi “tội phạm của các loại tội phạm” này. Các quy định của pháp luật ngày càng chặt chẽ, nghiêm khắc trong việc xử lý tội phạm liên quan đến ma túy. Nhưng vì tiền, nhiều người vẫn bất chấp kinh doanh thứ chất trắng tàn phá cuộc sống của chính đồng bào mình.
Con số người nghiện có hồ sơ quản lý là hơn 220.000 người nhưng thực tế như lời của Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, con số thực phải cao hơn bốn lần!
Số người nghiện không ngừng tăng và xu hướng mới là giới trẻ sử dụng ma túy tổng hợp đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Cắt đứt nguồn cung, kiểm soát người nghiện là biện pháp căn cơ, bao quát đã được áp dụng từ nhiều năm nay. Nhưng nghiện, tái nghiện, phạm tội… là điệp khúc mà nhiều người từng hoặc đang sử dụng ma túy trải qua.
Cần mạnh mẽ hơn nữa, dứt khoát hơn nữa, thực sự huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như ở một phường tại quận 1, TP.HCM: Từ công an, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cùng ra một con hẻm để canh bắt, dẹp bỏ nạn ma túy và giúp đỡ người nghiện trong địa bàn. Có như vậy mới mong xã hội sạch hoặc đỡ bớt tệ nạn này.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chan-cai-chet-trang-can-quyet-liet-hon-nua-post711614.html