Chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch trên tôm nuôi nước lợ

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2024 trên địa bàn tỉnh không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi; tuy nhiên kết quả giám sát chủ động đã phát hiện tôm nuôi nhiễm vi rút gây bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch và báo cáo dịch bệnh thủy sản còn nhiều tồn tại: phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời; người dân và các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về phòng, chống dịch; công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh thủy sản chưa được thực hiện thường xuyên…

Trước tình hình trên, ngày 20/12/2025, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1292/UBND-VP3 chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT, UBND các huyện ven biển, các sở, ngành liên quan, các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung: chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, báo cáo dịch bệnh thủy sản theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030; rà soát, thống kê số liệu thực tế về thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi năm 2024 của địa phương về diện tích, số lượng, mức độ thiệt hại, dịch bệnh, phân loại theo đối tượng nuôi, hình thức nuôi, lứa tuổi, thời gian mắc bệnh... Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương; xem xét, bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, nhân lực có chuyên môn phù hợp để phục vụ công tác thú y thủy sản. Tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thú y trong việc báo cáo, chia sẻ thông tin dịch bệnh động vật với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ vùng nuôi. Nghiêm túc thực hiện "3 không": không giấu dịch, không xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh, sử dụng kháng sinh không theo hướng dẫn. Đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản để xuất khẩu. Hướng dẫn người nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm nước lợ để nâng cao giá trị và chủ động phòng, chống dịch bệnh; khi phát hiện động vật thủy sản nuôi, tôm nuôi ốm, chết bất thường phải báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kiểm tra, hướng dẫn biện pháp xử lý.

Sở NN và PTNT chỉ đạo tăng cường hoạt động quan trắc môi trường, chủ động giám sát dịch bệnh để đưa ra dự báo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn cụ thể cho người nuôi về mùa vụ thả nuôi, quy trình nuôi, hình thức nuôi phù hợp, sử dụng con giống thủy sản, vật tư đầu vào bảo đảm chất lượng và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống xuất tỉnh; tổng hợp đầy đủ, chính xác số liệu thực tế về thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi và thực hiện nghiêm túc quy định báo cáo, chia sẻ thông tin dịch bệnh động vật thủy sản trên hệ thống VAHIS.

Văn Đại

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202412/chan-chinh-cong-tac-phong-chong-dich-tren-tom-nuoi-nuoc-lo-e3e4496/