Chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

Theo quy định, không được tổ chức dạy thêm, học thêm (DT, HT) trong thời gian từ 17 - 19h hàng ngày, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống), không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên (GV) đang dạy chính khóa, khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó… Quy định đã rõ ràng như vậy, nhưng thực tế, việc DT, HT trái quy định đang diễn ra khá phổ biến.

Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) có 305/604 học sinh tự nguyện đăng ký học thêm trong nhà trường.

Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) có 305/604 học sinh tự nguyện đăng ký học thêm trong nhà trường.

Xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm trái quy định

Cho con đi học thêm để củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng là nguyện vọng chính đáng của khá nhiều phụ huynh, nhưng đồng thời cũng có một số ít GV lợi dụng chuyện DT, HT để gây sức ép, ép buộc học sinh phải đi học thêm. Do thanh tra, kiểm tra, quản lý chưa nghiêm, các quy định về DT, HT chưa phù hợp với thực tế, hay vì lý do gì khác mà vấn đề DT, HT hiện vẫn chưa được quản lý, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả?

Ngày 6/11/2020, UBND phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) có Thông báo số 56/TB-UBND thông báo "kết quả giải quyết đơn của công dân phản ánh việc dạy thêm trái quy định”. Theo đó, UBND phường nhận được đơn của công dân có con em từng học tại trường THCS Lê Quý Đôn, phản ánh việc dạy thêm trái quy định của GV. Trong đơn nêu một số nội dung như: Cô giáo Đ.T.T.H (trường THCS Lê Quý Đôn) dạy thêm trái phép cho từ 20 - 30 học sinh, vào các khung giờ 17 - 19h và 19h30 - 21h; áp đặt học sinh học quá số buổi quy định (3 buổi/tuần) môn Ngữ văn, ép buộc học sinh đến nhà học bằng cách cho điểm không công bằng… Sau khi xem xét, tiến hành xác minh, căn cứ đơn tường trình của cô giáo Đ.T.T.H và làm việc với chi bộ, tổ dân phố số 3, phường Đồng Tiến, Ban giám hiệu (BGH) trường THCS Lê Quý Đôn, UBND phường Đồng Tiến kết luận: Trong 3 nội dung trên thì "một số nội dung cơ bản chưa có căn cứ”. Tuy nhiên, GV Đ.T.T.H đã tự nhận là "có dạy kèm một số học sinh từ cuối tháng 9”, nhà trường đã xác minh có việc cô giáo Đ.T.T.H dạy thêm ở nhà không đúng quy định. Đồng chí Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến cho biết: UBND phường đã yêu cầu BGH trường THCS Lê Quý Đôn yêu cầu GV Đ.T.T.H nghiêm túc kiểm điểm trước BGH. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ, viên chức trong nhà trường. Có văn bản chấn chỉnh cán bộ, GV nhà trường về việc không được phép tổ chức dạy thêm trái quy định. Tham mưu UBND phường, Phòng GD&ĐT thành phố xử lý nghiêm những trường hợp GV cố tình vi phạm. Đồng thời, yêu cầu cô giáo Đ.T.T.H chấm dứt ngay việc dạy học ở nhà không đúng quy định; nghiêm túc rút kinh nghiệm và kiểm điểm trước BGH nhà trường về sai phạm của mình.

Thống nhất với quan điểm kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm đối với việc dạy thêm của UBND phường Đồng Tiến, đồng chí Kim Thị Hồng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Hòa Bình cho biết: Trong thời gian qua, Phòng GD&ĐT thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc DT, HT trong và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số GV chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy định việc DT, HT. Do đó, tháng 10 vừa qua, Phòng đã yêu cầu các nhà trường tiếp tục tổ chức quán triệt đến cán bộ quản lý, GV văn bản quy định về DT, HT của các cấp. Các nhà trường phải tổ chức cho GV viết, ký cam kết không tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường trái với quy định. Phòng cũng đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động DT, HT ngoài nhà trường trên địa bàn thành phố; nếu phát hiện các trường hợp DT, HT ngoài nhà trường trái quy định kiên quyết xử lý. Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự giám sát của Nhân dân, phụ huynh học sinh đối với hoạt động DT, HT. Các đơn vị công khai đường dây nóng là số điện thoại của hiệu trưởng, hoặc của nhà trường trên các kênh thông tin của đơn vị để thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận về hoạt động DT, HT ngoài nhà trường.

Giải quyết vấn đề phụ huynh có nguyện vọng cho con đi học thêm

Ngày 9/11/2020, Sở GD&ĐT có Công văn số 2573/SGD&ĐT-TrH về việc "chấn chỉnh việc tổ chức DT, HT ngoài nhà trường từ năm học 2020-2021”. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trước hiện tượng một số GV thực hiện trái quy định về DT, HT, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị, trường học khẩn trương, quyết liệt chấn chỉnh việc tổ chức DT, HT ngoài nhà trường. Yêu cầu giáo viên viết cam kết không tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường từ năm học 2020-2021. Các đơn vị, trường học nếu phát hiện GV vi phạm cần kịp thời xử lý theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định hiện hành. Sở GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện có vi phạm về việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tham mưu UBND cùng cấp thành lập các đoàn kiểm tra chấn chỉnh việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Sở cũng yêu cầu các đơn vị, trường học báo cáo danh sách GV tham gia dạy thêm ngoài nhà trường cho các trung tâm, đơn vị được phép tổ chức hoạt động DT, HT ngoài nhà trường (nếu có) về Sở GD&ĐT.

Động thái này của ngành GD&ĐT đã cho thấy quyết tâm nói "không” với việc tổ chức DT, HT trái quy định ngoài nhà trường. Đáng lưu ý, theo các quy định hiện hành, "GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức DT, HT ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép”. Như vậy, GV không được phép "tổ chức dạy thêm”, nhưng được phép "tham gia dạy thêm”. Do đó, nhiều GV của trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, THPT Công Nghiệp, một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố đã ký hợp đồng dạy thêm cho Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa ATTIC, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Trung tâm ATTIC hiện tổ chức các khóa học tiếng Việt, tiếng Anh, Toán học cho học sinh bậc tiểu học; khóa học tiếng Anh, Toán học, Ngữ văn cho học sinh bậc THCS, THPT, lịch học từ 3 - 4 buổi/tuần, mức học phí dao động từ 650 - 850 nghìn đồng/môn/ tháng. Đây có thể coi như một hình thức DT, HT hợp pháp, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều phụ huynh chưa tha thiết cho con đến trung tâm học thêm, vẫn muốn con học ở nhà các thầy, cô.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, đã có những trường hợp GV "ép”, gây áp lực cho học sinh phải đi học thêm, bằng cách cắt giảm nội dung giảng dạy trên lớp để về nhà dạy thêm; cho học sinh học thêm ôn tập những dạng bài sau đó sẽ ra trong đề kiểm tra, để học sinh nào học thêm sẽ có cơ hội được điểm cao… Tuy nhiên, đây chỉ là số ít. Đa số phụ huynh có nguyện vọng cho con đi học thêm vì không có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ con làm bài tập, học bài. Tìm hiểu thực tế cho thấy, khá nhiều phụ huynh muốn cho con đi học thêm ở nhà riêng các thầy, cô không phải vì "nịnh” giáo viên, vì điểm cao, bệnh thành tích, mà muốn con được củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Đặc biệt, với các bậc phụ huynh có con học các lớp cuối cấp như lớp 5, lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi vào trường chuyên, lớp chọn; học sinh bậc THPT chuẩn bị cho kỳ thi THPT lớp 12, thì nhu cầu học thêm cao hơn và hoàn toàn chính đáng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý việc DT, HT một cách hiệu quả? Các bậc phụ huynh nói riêng, xã hội nói chung đang chờ đợi những điều chỉnh phù hợp của ngành GD&ĐT, cũng như chính quyền các cấp để việc quản lý DT, HT vừa phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, học sinh, đồng thời hạn chế phát sinh các vấn đề tiêu cực.

Dương Liễu

Nhóm ý kiến:

Văn bản hướng dẫn việc dạy thêm, học thêm cần cụ thể, thống nhất

Hiện nay, việc thực hiện DT, HT ngoài nhà trường thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; gần đây nhất là Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT, ngày 26/8/2019 công bố hết hiệu lực một số điều trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, các văn bản này có những điểm, nội dung chưa thực sự rõ ràng, dễ gây ra những cách hiểu khác nhau, nhất là đối với vấn đề dạy thêm ngoài nhà trường.

Thực tế trên địa bàn huyện Tân Lạc, nhu cầu học thêm ngoài nhà trường tập trung chủ yếu vào nhóm học sinh lớp 9 để chuẩn bị cho việc thi lên THPT. Do đó, ngành giáo dục địa phương cũng như giáo viên, phụ huynh học sinh mong muốn sớm có những văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc tổ chức DT, HT ngoài nhà trường. Còn hiện nay, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng GD&ĐT huyện vẫn thường xuyên, đột xuất tiến hành thanh tra, kiểm tra việc DT, HT theo các quy định hiện hành. Vừa qua, Phòng đã có văn bản hướng dẫn việc tổ chức DT, HT trong nhà trường, đồng ý cho các trường tổ chức DT, HT cho học sinh cấp THCS năm học 2020 - 2021.

Bùi Văn Hải

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc

Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá để hạn chế phát sinh tiêu cực liên quan đến dạy thêm, học thêm

Nhằm hạn chế những vấn đề phát sinh tiêu cực liên quan đến việc DT, HT, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, mấu chốt là thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, không để xảy ra tiêu cực trong việc ra đề, chấm thi. Hiện nay, nhà trường phân công giáo viên các bộ môn chính như Toán, tiếng Anh, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, không tham gia dạy quá 2/4 khối, để đảm bảo giáo viên có thời gian, tâm sức dạy chuyên sâu, cũng như không xảy ra tình trạng giáo viên "bao sân” bộ môn.

Các bài kiểm tra thực hiện việc ra đề chung, theo nguyên tắc giáo viên dạy khối nào không được ra đề khối đó. Người duyệt, thay thế đề là Ban giám hiệu nhà trường, đề kiểm tra thường chỉ được quyết định chính thức trước ngày thi 1 ngày. Khi kiểm tra giữa kỳ, sẽ trộn học sinh toàn trường cùng thi, không có 2 học sinh cùng khối ngồi cạnh nhau, không có giáo viên dạy bộ môn đó coi thi. Bài thi được rọc phách chia chấm ngẫu nhiên để tránh tiêu cực. Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện nghiêm túc đã góp phần ngăn chặn việc DT, HT để nâng điểm, tiêu cực trong đánh giá học sinh.

Phạm Thị Hải Châu

Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình)

Không nên cấm dạy thêm, học thêm mà cần quản lý phù hợp

Con tôi hiện học lớp 4, trường tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình), đây là ngôi trường có truyền thống chất lượng giáo dục tốt, phụ huynh chúng tôi cũng hoàn toàn tin tưởng vào việc giảng dạy của các thầy, cô trên lớp. Tuy nhiên, sĩ số các lớp khá đông, đều trên 30 học sinh, nếu yêu cầu các thầy, cô giáo phải sát sao, kỹ lưỡng đến từng học sinh trong lớp, mà mỗi tiết học chỉ có 45 phút là điều rất khó. Chương trình lớp 4 được đánh giá khó nhất trong cấp tiểu học, phụ huynh thì không có thời gian, nhất là không có kỹ năng sư phạm để giảng bài, giúp con làm bài tập. Em nào nhận thức tốt không sao, nhưng em nào nhận thức chậm hơn các bạn sẽ dễ bị tụt lại.

Do đó, phụ huynh có nguyện vọng cho con đi học thêm, để con được các cô hướng dẫn, hỗ trợ việc làm bài tập, củng cố kiến thức. Nếu các thầy, cô trường tiểu học Lý Tự Trọng không dạy thêm tại nhà, chúng tôi sẽ tìm các thầy, cô trường khác có uy tín để xin cho con theo học. Mục tiêu chúng tôi cần là để con học lấy kiến thức lên lớp 5, rồi lên THCS, chứ không phải vì điểm, vì thành tích. Tuy nhiên, tâm tư của phụ huynh muốn con học thêm chính thầy, cô giáo đang giảng dạy trên lớp, vì thầy, cô sẽ nắm rõ ưu, nhược điểm của con mình, để có hướng kèm cặp phù hợp. Theo tôi, không nên cấm giáo viên dạy thêm tại nhà, mà cần có phương thức quản lý phù hợp, bởi thực tế hiện nay vẫn đang diễn ra hoạt động DT, HT "chui”, khổ sở cho cả thầy và trò.

Bùi Văn Toàn

Tổ 12, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/148118/chan-chinh-hoat-dong-day-them,-hoc-them-ngoai-nha-truong.htm