Chấn chỉnh hoạt động giao thông đường thủy nội địa

Ban An toàn giao thông tỉnh vừa kết thúc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo đảm An toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác bảo đảm An toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những tồn tại, đòi hỏi các cơ quan chức năng, địa phương sớm khắc phục để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh vừa kết thúc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo đảm ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những tồn tại, đòi hỏi các cơ quan chức năng, địa phương sớm khắc phục để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Vẫn còn hạn chế

Qua kiểm tra cho thấy, các tồn tại về tình trạng phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn tham gia đưa đón khách chỉ diễn ra ở các địa bàn vùng đảo xa, điều kiện về tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng gặp khó khăn. Tuy nhiên, tình trạng này đã được đoàn liên ngành kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục hoặc dừng hoạt động. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có trách nhiệm đảm bảo ATGT đường thủy tại địa phương theo dõi, giám sát và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm kiên quyết hơn.

 Bến tàu du lịch Cầu Đá (Nha Trang) tập trung rất nhiều phương tiện vận chuyển khách đi các đảo.

Bến tàu du lịch Cầu Đá (Nha Trang) tập trung rất nhiều phương tiện vận chuyển khách đi các đảo.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra các bến thủy và phương tiện thủy tại 7 khu vực trọng điểm về hoạt động giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh là: khu vực vịnh Nha Trang, đầm Nha Phu, sông Cái Nha Trang, vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, khu vực Dốc Lết (thị xã Ninh Hòa), khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm). Đoàn kiểm tra 50 bến thủy nội địa, với 400 lượt phương tiện các loại. Qua kiểm tra, đoàn đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 59 trường hợp với tổng số tiền gần 79 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là lỗi vi phạm thuyền viên không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng hạng 2 trở lên và không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện; không có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và vi phạm bố trí định biên thuyền viên không đủ hoặc không phù hợp theo quy định…

Đối với 50 bến thủy nội địa, qua kiểm tra cơ bản các bến đều đảm bảo điều kiện, tình trạng kỹ thuật hoạt động bình thường, đáp ứng điều kiện về kết cấu bến, có giấy phép mở bến. Các bến thực hiện tương đối đầy đủ quy định trách nhiệm của chủ bến, tuy nhiên vẫn còn một số chủ bến chưa thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, ghi chép nhật ký phương tiện ra vào bến. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, hướng dẫn các bến ghi nhật ký phương tiện. Riêng tại khu vực Vũng Ngán (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) còn tồn tại 1 bến không có giấy phép hoạt động. Đoàn kiểm tra giao Cảng vụ hàng hải Nha Trang lập biên bản, yêu cầu tạm dừng hoạt động bến và xử phạt với số tiền 7,5 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại 4 bến tạm phát sinh. Đối với các bến không phép, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động, đồng thời hướng dẫn chủ bến làm các thủ tục cấp phép mở bến đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Về phương tiện vui chơi giải trí, đoàn kiểm tra thực tế 28 phương tiện (24 mô tô nước, 4 cano kéo dù - dù bay). Qua kiểm tra có 25 phương tiện có đăng ký, đăng kiểm đúng quy định, người điều khiển có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện đang điều khiển; 3 phương tiện cano kéo dù hết hạn đăng kiểm đang làm thủ tục đăng kiểm. Đoàn đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Cần sớm khắc phục

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, kết quả kiểm tra đã đánh giá đúng thực chất về thực trạng hoạt động đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đã chỉ ra một số tồn tại và thiếu sót do các nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy định của pháp luật giao thông đường thủy tại địa phương. Trong thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng cần triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng tàu thuyền thủy nội địa trên địa bàn quản lý. Đồng thời, do hoạt động giao thông đường thủy nội địa trải dài khắp địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch trên đường thủy nội địa nói riêng và hoạt động giao thông đường thủy nội địa nói chung.

Các địa phương cần thành lập ban quản lý bến thủy nội địa phục vụ mục đích dân sinh hoặc giao UBND các xã, phường, thị trấn bố trí nhân lực trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban chuyên môn tăng cường quản lý địa bàn và chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra tình trạng mở cảng, bến thủy nội địa trái phép hoặc đón, trả khách du lịch không đúng quy định; thực hiện đăng ký hành chính cho phương tiện thủy nội địa đã được phân cấp đăng ký; thực hiện trách nhiệm trong việc quản lý phương tiện thủy nội địa thô sơ có sức chở hàng trọng tải toàn phần dưới 1 tấn, hoặc có sức chở người dưới 5 người, hoặc bè khi hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Đối với 4 bến (cầu tạm) phát sinh trên địa bàn tỉnh, Cảng vụ hàng hải Nha Trang cần phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn các chủ bến thực hiện thủ tục xin phép mở bến, nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật cần kiên quyết đình chỉ hoạt động.

THÀNH NAM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201908/chan-chinh-hoat-dong-giao-thong-duong-thuy-noi-dia-8125752/