Chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc gia cầm

Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm (GS,GC) nhỏ lẻ tràn lan trong các khu dân cư, chợ dân sinh thời gian qua đã và đang khiến việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong tình trạng khó kiểm soát, làm tăng nguy cơ lây nhiễm một số bệnh từ GS,GC sang người. Đây là vấn đề nóng, đòi hỏi sự quyết liệt trong quản lý, đặc biệt là chú trọng đầu tư nâng tỷ lệ sản phẩm sau giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), vệ sinh môi trường

Bài 1: Ẩn họa từ điểm giết mổ không phép

Dù không đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện vệ sinh thú y, ATTP, song hàng trăm điểm giết mổ GS,GC nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn ngang nhiên hoạt động không kể ngày đêm. Thực trạng này đang làm dấy lên những lo ngại về vệ sinh toàn thực phẩm (VSATTP), nguy cơ lây lan dịch bệnh và nhiều tác động xấu đến môi trường.

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ Giang, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường). Ảnh: Nguyễn Hường

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ Giang, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường). Ảnh: Nguyễn Hường

Hàng trăm cơ sở giết mổ không phép

Nằm gọn lỏn trong một góc chợ Giang, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường), song lò mổ của chị Sâm vẫn luôn là địa chỉ “tin cậy” của nhiều bà nội trợ khi có nhu cầu thuê giết mổ gà, vịt. Với tiền công chỉ từ 15 - 20 nghìn đồng/con, trung bình lò mổ của chị nhận giết mổ vài chục con gia cầm mỗi ngày; thậm chí, dịp cao điểm cuối năm và giáp Tết, có ngày số lượng có thể lên tới vài trăm con.

Nước thải từ hoạt động giết mổ GS,GC được xả trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý (ảnh chụp tại chợ Giang, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường). Ảnh: Nguyễn Hường

Nước thải từ hoạt động giết mổ GS,GC được xả trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý (ảnh chụp tại chợ Giang, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường). Ảnh: Nguyễn Hường

Đắt khách là vậy, thế nhưng với những người ưa sạch sẽ, chú trọng về VSATTP hẳn sẽ phải đắn đo khi tận mắt thấy điều kiện giết mổ tại đây. Lò mổ nằm ngay cạnh mương thoát nước thải đen ngòm, bị ách tắc một phần; xung quanh là khu vực bán gia cầm với đầy phân và nước thải.

Tại đây chỉ có 2 nồi nước sôi dùng được chung cho hàng chục con gà. Việc giết mổ được thực hiện ngay trên nền xi măng với lông gà, lông vịt vương vãi khắp nơi. Gia cầm sau khi giết mổ và làm sạch cũng chỉ được đặt tạm trên một tấm gỗ cũ chờ khách đến lấy.

Không riêng gì chợ Giang, do nhu cầu của người dân, không khó để bắt gặp những điểm giết mổ gà, vịt nhỏ lẻ trong các chợ từ thành thị cho đến nông thôn. Lượng giết mổ, điều kiện vệ sinh của các điểm giết mổ tại mỗi chợ mỗi khác, nhưng phần lớn được thực hiện thủ công, trang thiết bị, dụng cụ sơ sài; nước thải từ hoạt động giết mổ đều không qua xử lý, mà trực tiếp thải ra môi trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có đang có gần 700 cơ sở giết mổ GS,GC. Trong đó, chỉ có 2 cơ sở giết mổ tập trung và 4 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ được cấp giấy chứng nhận ATTP. Còn lại hơn 600 cơ sở giết mổ GS,GC nhỏ lẻ chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, ATTP vẫn đang nằm rải rác trong các khu dân cư.

Tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh

Hoạt động giết mổ GS,GC đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, là khâu trực tiếp đưa thịt tươi sống đến người tiêu dùng, chế biến thành các sản phẩm khác.

Để đảm bảo VSATTP, các cơ sở giết mổ GS,GC dù là nhỏ lẻ vẫn cần phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về nhân lực, địa điểm, thiết bị, dụng cụ, hệ thống nước thải.

Hầu hết các cơ sở giết mổ GS,GC nhỏ lẻ hiện nay chưa đảm bảo điều kiện VSATTP. (Ảnh chup tại chợ Gà, thôn Trung, xã Lũng Hòa, Vĩnh Tường) Ảnh: Nguyễn Hường

Hầu hết các cơ sở giết mổ GS,GC nhỏ lẻ hiện nay chưa đảm bảo điều kiện VSATTP. (Ảnh chup tại chợ Gà, thôn Trung, xã Lũng Hòa, Vĩnh Tường) Ảnh: Nguyễn Hường

Đơn cử như khu vực giết mổ phải có diện tích phù hợp với quy mô giết mổ, các công đoạn giết mổ phải được bố trí phù hợp tránh gây ô nhiễm chéo.

Đối với cơ sở giết mổ gia súc cần có móc treo hoặc giá đỡ, bảo đảm thân thịt cao hơn mặt sàn ít nhất 0,3m; nếu lấy phủ tạng trên bệ mổ, bệ phải cao hơn sàn ít nhất 0,4m; nơi làm sạch lòng, dạ dày phải tách biệt với nơi để tim, gan, thận và thịt.

Đối với cơ sở giết mổ gia cầm, trang thiết bị cho việc lấy phủ tạng khỏi thân thịt sao phải bảo đảm thân thịt và phủ tạng không được tiếp xúc trực tiếp với nền sàn…

Ông Nguyễn Hiệp Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Hầu hết các cơ sở giết mổ GS, GC nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư chưa được chủ cơ sở quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ giết mổ đảm bảo, cũng như hệ thống xử lý chất thải, nước thải; giết mổ trực tiếp trên sàn, chưa có khu giết mổ riêng biệt. Tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn trong và sau quá trình giết mổ, không đảm bảo điều kiện VSATTP và ô nhiễm môi trường”.

Đặc biệt, do số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhiều, lại nằm rải rác trong khu dân cư, nên công tác kiểm soát giết mổ hiện nay mới chỉ được thực hiện tại 2 nhà máy giết mổ tập trung và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Số gia súc gia cầm được kiểm soát giết mổ trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh là 188 con trâu, bò; 6315 con lợn, trên 359 nghìn con gia cầm. Con số này rất thấp so với số lượng giết mổ thực tế.

Điều này đã và đang tạo cơ hội cho một số gian thương bất chấp sức khỏe của cộng đồng, ngang nhiên kinh doanh buôn bán các loại thực phẩm không đảm bảo VSATTP ra thị trường nhằm thu lợi bất chính.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện nhiều trường hợp giết mổ GS,GC chết, không rõ nguồn gốc bán ra thị trường tiêu thụ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất VSATTP là rất lớn.

Bên cạnh lo ngại về nguy cơ mất VSATTP, lây lan dịch bệnh, sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không phép nằm trong các khu dân cư còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khu vực xung quanh.

Trước những hệ lụy mà hoạt động giết mổ nhỏ lẻ có thể mang lại, công tác kiểm soát cần phải được quan tâm, siết chặt hơn nữa.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96978//chan-chinh-hoat-dong-giet-mo-gia-suc-gia-cam