Chấn chỉnh hoạt động xe đưa, đón công nhân
Hiện nay, việc đưa, đón công nhân làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra lộn xộn, nguy cơ mất an toàn giao thông. Để hoạt động này đi vào nền nếp, các cơ quan chức năng cần vào cuộc chấn chỉnh; tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Nhiều xe vi phạm
Khoảng 6 giờ 20 phút đến 7 giờ 15 phút ngày 26/7, tại khu vực ngã tư giao nhau giữa đường tỉnh (ĐT) 293 với đường thôn Lan Hoa, xã Lan Mẫu (Lục Nam) có nhiều xe ô tô loại 45 chỗ dừng đỗ ngay lòng đường đón công nhân. Ví dụ như các xe ô tô BKS: 98F-002.31; 98F-000.84; 29B-139.01; 34B -031.36... Điểm đón công nhân này không nằm trong quy hoạch, không có biển báo theo quy định.
Các xe hoạt động phổ biến từ 6 giờ 15 phút đến hơn 7 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ hằng ngày. Chị Ngô Thị L, một công nhân đứng chờ xe cho biết, ở ngã tư này từng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông thương tâm. Mặc dù biết nguy hiểm nhưng vì tiện đường nên chị vẫn đứng chờ cho kịp chuyến xe. Tại tuyến ĐT 293 đi qua địa bàn thị trấn Tân An (Yên Dũng) vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều cũng có nhiều xe đón, trả công nhân tại vị trí không được phép dừng đỗ.
Tình trạng trên còn xảy ra tại khu vực ngã ba giao nhau giữa quốc lộ (QL1) với đường dân sinh đi qua đường sắt thuộc tổ dân phố Đại Phú, thị trấn Vôi (Lạng Giang). Trong khoảng hơn nửa tiếng, hàng loạt xe dừng đón công nhân như xe ô tô BKS: 98B-02952; 12 F-009.19... Công nhân đứng thành nhiều tốp trên lề đường.
Đáng lo ngại, trên tuyến đường này vào giờ cao điểm có nhiều lượt xe ô tô chạy nhanh, cách công nhân chỉ từ 0,5-1 m. Tại QL 37, đoạn gần chân cầu vượt Đình Trám (Việt Yên) cũng có nhiều ô tô dừng đỗ lộn xộn ngay lòng đường mang BKS: 98F-00355; 98B-020.91... Trong số này có xe dừng khá lâu để chờ công nhân. Cụ thể, xe BKS 98B-028.19 của nhà xe Thể Mai dừng ở lòng đường vào chiều 25/7 chừng 10-15 phút.
Theo chức năng, nhiệm vụ, Thanh tra Giao thông, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) kiểm tra xe dừng đón, trả công nhân trên tất cả các tuyến đường. Công an huyện Lục Nam, Yên Dũng kiểm tra phương tiện lưu thông trên ĐT 293 qua địa bàn; Công an huyện Việt Yên kiểm tra tại QL37, Phòng Cảnh sát giao thông kiểm tra trên QL1 và các tuyến đường nói chung.
Thế nhưng quan sát tại các tuyến đường trên phóng viên không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý chủ phương tiện vi phạm.
Khẩn trương lập lại trật tự
Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Theo quy định, các công ty bố trí xe đưa, đón công nhân cần có hồ sơ đăng ký điểm đón, trả với Sở GTVT. Trên cơ sở đó, Sở phối hợp với UBND, công an các huyện, TP khảo sát và có văn bản chấp thuận cho DN lắp đặt biển báo hiệu đối với những điểm dừng đỗ phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông.
Thế nhưng nhiều DN không thực hiện vì không muốn tốn kinh phí cắm biển. Trong khi đó, lực lượng Thanh tra Giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, công an một số huyện tuy đã vào cuộc xử lý song chưa thường xuyên.
Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Công an huyện Việt Yên, do lực lượng công an tập trung xử lý nhiều vụ việc vào ban đêm nên có thời điểm chưa kịp thời kiểm tra, xử lý các xe dừng đón công nhân vi phạm.
Ông Hoàng Thế Hanh, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, mỗi đội chỉ có 3 người phụ trách hai huyện, hơn nữa các xe vi phạm chủ yếu vào thời điểm ngoài giờ hành chính nên rất khó xử lý triệt để. Nói như vậy là chưa thuyết phục bởi QL 37 cách trụ sở Thanh tra Giao thông không xa, đơn vị hoàn toàn có thể bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý chủ xe vi phạm.
Ngoài ra, nhiều xe dừng đón công nhân vào cả giờ hành chính từ 7 giờ đến 7 giờ 30 hằng ngày.
Theo Đề án “Phát triển vận tải hành khách đưa đón công nhân giai đoạn 2021-2025”, toàn tỉnh quy hoạch 165 vị trí dừng đỗ đón, trả công nhân trên các tuyến QL, ĐT và đường huyện. Các điểm này được xây dựng theo quy chuẩn, bảo đảm tối thiểu 3 xe đỗ cùng thời điểm, có nhà chờ, biển báo, sơn gờ giảm tốc… xong trong năm 2023.
Thực tế cho thấy, hiện nay, hạ tầng dịch vụ hỗ trợ vận tải đưa, đón công nhân như: Điểm dừng đỗ, biển báo, nhà chờ… trong tỉnh chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ.
Riêng tuyến QL1, đoạn qua huyện Lạng Giang chưa có biển báo dừng đỗ. Theo Sở GTVT, toàn tỉnh hiện có khoảng 90 điểm đón, trả công nhân được cắm biển báo trên QL 31, QL 17, ĐT 293… của một số DN.
Dịch vụ vận tải đưa, đón công nhân hình thành nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng của DN và người lao động.
Việc chấn chỉnh vi phạm của chủ xe để bảo đảm an toàn giao thông là nhiệm vụ cấp bách. Trước mắt, các DN cần chủ động phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng xây dựng điểm đỗ, đón trả công nhân ở vị trí phù hợp.
Đặc biệt, cơ quan chức năng xử lý nghiêm chủ xe dừng, đón công nhân vi phạm, kể cả ngoài giờ hành chính; xem xét tước giấy phép lái xe đối chủ xe vi phạm nhiều lần, tránh tình trạng xử phạt xong cho tồn tại, gây nhờn luật.
Để hoạt động vận tải đưa đón công nhân phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại của công nhân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển vận tải hành khách đưa đón công nhân giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, tỉnh quy hoạch 165 vị trí dừng đỗ đón, trả công nhân trên các tuyến QL, ĐT và đường huyện.
Các điểm này được xây dựng theo quy chuẩn, bảo đảm tối thiểu 3 xe đỗ trong cùng một thời điểm, có nhà chờ, biển báo, sơn gờ giảm tốc…; hoàn thành trong năm 2023. Tổng vốn đầu tư xây dựng gần 58 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Hiện nay, Sở đang xây dựng 4 điểm dừng đỗ đón, trả công nhân trên QL1 và ĐT 293, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm nay.
Bài, ảnh: Minh Linh