Chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp công dân

BHG - Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản số 3172/UBND-NCPC chỉ đạo về việc chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong việc tiếp công dân.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung nêu tại công văn số 1676-CV/TU của Tỉnh ủy về chấn chỉnh việc tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy theo quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân. Thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân theo quy định, đồng thời rà soát, lựa chọn các vụ việc để tiếp, đối thoại với công dân (trong trường hợp không có công dân đăng ký theo lịch tiếp công dân định kỳ) để kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Chủ động nắm tình hình để dự báo và có phương án xử lý kịp thời ngay từ cơ sở đối với vụ việc có nguy cơ phát sinh đông người, phức tạp. Khi xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, người đứng đầu các cấp, các ngành phải sâu sát, quyết liệt, trực tiếp chỉ đạo, đối thoại với người dân, có biện pháp xử lý kịp thời, không để phát sinh "điểm nóng".

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực để thẩm tra, xác minh, kết luận và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, đảm bảo tỷ lệ giải quyết đạt 90% trở lên. Dành thời gian, nhân lực giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ việc thuộc danh mục các vụ việc đông người, tồn đọng, kéo dài thuộc thẩm quyền...

Sở Tư pháp tham mưu, triển khai thực hiện nội dung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, như: Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân.... gắn với đẩy mạnh công tác hòa giải tại cơ sở, kịp thời hòa giải ngay khi có tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân; nânng cao tinh thần cảnh giác của người dân, không nghe theo sự lôi kéo, kích động của các phần tử xấu để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Thanh tra tỉnh thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện quy định về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời xem xét, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với người đứng đầu không thực hiện tiếp công dân theo quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, cập nhật thông tin các văn bản pháp luật, quy định mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành có hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý hiệu quả thông tin về khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố định kỳ hằng tháng, hằng quý, 6 tháng, 9 tháng, hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về việc triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định và hướng dẫn của Thanh tra tỉnh, báo cáo gửi Thanh tra tỉnh để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Đ.T

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chuyen-muc-cai-cach-hanh-chinh/202310/chan-chinh-nang-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-viec-tiep-cong-dan-03116d7/