Chấn chỉnh thói hung hăng 'mạnh được, yếu thua' trên đường phố thế nào?
Sau các vụ đánh người chỉ vì va chạm giao thông nhỏ, không ít đối tượng đã bị xử lý hình sự, nhưng tình trạng 'mạnh được, yếu thua' trên đường phố vẫn liên tiếp diễn ra. Điều đó đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn để chấn chỉnh tình trạng này.
Lời Tòa soạn:
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những clip ghi lại hình ảnh ‘luật đời’ - mạnh được yếu thua trên đường phố. Hình ảnh người yếu thế hơn bị hành hung xuất phát từ những nguyên nhân nhỏ nhặt khiến nhiều người bức xúc.
Va chạm nhỏ, đánh nhau to
Trong một môi trường văn minh, với những người có ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật, có văn hóa ứng xử thì những mâu thuẫn, va chạm trên đường phố hoàn toàn có thể giải quyết bằng những nụ cười, những cái bắt tay và những sự sẻ chia, cảm thông.
Tiếc rằng, thời gian qua liên tục xảy ra các vụ đánh người chỉ vì những va chạm giao thông nhỏ dù sau các vụ việc này, không ít đối tượng đã bị bắt giữ, xử lý hình sự.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) cho rằng, nếu như một vài năm trước, việc va chạm giao thông hay mâu thuẫn trong cuộc sống dẫn đến xung đột, căng thẳng ít khi bị xử lý, trừ khi hậu quả nghiêm trọng, thì gần đây cơ quan chức năng đã quyết liệt hơn rất nhiều trong việc lập lại trật tự, kỷ cương.

Luật sư Giang Hồng Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đã có nhiều vụ hành hung người khác bị xử lý hình sự về các tội danh khác nhau như: Gây rối trật tự công cộng, Cố ý gây thương tích, Hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản… Vậy nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra thường xuyên khiến dư luận vô cùng bức xúc, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các lực lượng thực thi pháp luật.
Theo ông Giang Hồng Thanh, thông thường với những hành vi như vậy, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng. Cấu thành của tội danh này khá mở, chỉ cần người vi phạm có hành vi hùng hổ la ó, phá phách, đánh nhau ở nơi công cộng là đã có thể bị xử lý khi cơ quan chức năng đánh giá hành vi đó gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nếu người vi phạm gây thương tích cho người khác từ 11% trở lên hoặc dưới 11% trong một số trường hợp thì sẽ bị xử lý thêm về tội Cố ý gây thương tích. Nếu người vi phạm đập phá xe cộ, tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên, sẽ bị xử lý thêm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu ai đó thiếu kiềm chế ở nơi công cộng, nguy cơ rất cao là người đó sẽ bị xử lý hình sự ít nhất về một tội danh.
Xử nghiêm mới đủ răn đe
Nhiều độc giả bình luận dưới các bài viết của VietNamNet rằng, cần phải xử nghiêm các hành vi côn đồ diễn ra trên đường phố để làm gương và răn đe những kẻ ngông cuồng khác. Vậy các quy định pháp luật hiện nay đã đủ sức răn đe hay vẫn phụ thuộc vào quyền quyết định của nạn nhân, nếu đồng ý hòa giải, rút đơn thì kẻ gây tội chỉ cần xin lỗi, bồi thường là xong?
Phân tích về vấn đề trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay: Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi đánh nhau, đánh người, gây rối trật tự công cộng.
Bởi vậy mọi hành vi đánh người nơi công cộng đều bị xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu đánh người gây ra thương tích hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nếu có thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc có tố cáo, tố giác, kiến nghị khởi tố hoặc bằng những kênh thông tin khác mà cơ quan điều tra phát hiện ra thì sẽ xử lý hình sự đối với đối tượng cố ý gây thương tích mà không phụ thuộc vào việc nạn nhân có đơn hay không.
Ngoài ra, hành vi đánh người nơi công cộng còn là hành vi gây rối trật tự công cộng. Bởi vậy, trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội Cố ý gây thương tích thì cũng có thể khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng đối với người có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác.
Theo Tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Như Trang (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), những vụ việc gây rối trật tự công cộng được xử lý nhanh và nghiêm minh cho thấy hệ thống pháp luật của Việt Nam đã đủ sức răn đe và đáp ứng được nguyện vọng của đa số người dân.
Tuy vậy, để phù hợp với giai đoạn phát triển xã hội hiện nay, cần có các nghiên cứu xã hội học, điều tra khảo sát thu thập ý kiến của người dân và các cấp lãnh đạo, từ đó làm cơ sở thực tiễn để nếu cần thì có thể điều chỉnh luật và tăng cường hệ thống thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.
Mặt khác, cũng cần tăng cường giáo dục nhận thức các kiến thức về pháp luật, văn hóa ứng xử, văn hóa tham gia giao thông ngay từ trong nhà trường để rèn luyện nhân cách, đạo đức và kỹ năng sống, phổ biến kịp thời trong các cấp học, lớp học khác song song với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.