Chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành đèn tín hiệu, điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, không lắp gương chiếu hậu… là những lỗi vi phạm phổ biến của học sinh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhằm chấn chỉnh tình trạng đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đã và đang phối hợp với các nhà trường, gia đình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh. Đồng thời, tăng cường tuần tra, phát hiện các trường hợp vi phạm, có biện pháp nhắc nhở, giáo dục, hình thành ý thức xây dựng văn hóa giao thông trong học đường.
Sau một thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, đầu tháng 4/2022, học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh được đi học trở lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của lực lượng cảnh sát giao thông, tình trạng học sinh không chấp hành pháp luật về TTATGT diễn ra khá phổ biến.
Để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, từ ngày 7/4/2022, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã triển khai kế hoạch, thành lập 8 tổ công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Tại cổng Trường THPT Trần Phú, thành phố Vĩnh Yên vào đầu giờ sáng, nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vẫn phóng nhanh mặc dù đường dốc hẹp, phương tiện lưu thông đông, tiềm ẩn nguy cơ va chạm, tai nạn.
Qua những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại cổng trường THPT Trần Phú, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã phát hiện không ít trường hợp học sinh không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai.
Các trường hợp vi phạm đã được lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh cho viết bản kiểm điểm gửi tới nhà trường, đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật về an toàn giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông cũng nhấn mạnh, việc lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các trường học nhằm kịp thời chấn chỉnh những lỗi vi phạm của học sinh, tuyên truyền, nhắc nhở, giúp việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ đi vào nền nếp hơn chứ không phải để mạnh tay xử lý vi phạm.
Cùng với lực lượng chức năng, thời gian qua, Ban Giám hiệu và giáo viên Trường THPT Trần Phú cũng đã thực hiện các giải pháp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong học sinh, phòng ngừa nguy cơ tai nạn giao thông.
Cô giáo Phạm Mai Phương, giáo viên nhà trường chia sẻ: “Thông qua các buổi ngoại khóa, sinh hoạt lớp, Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tìm hiểu kiến thức pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với học sinh.
Đồng thời, áp dụng các hình thức kỷ luật, nhắc nhở với những trường hợp vi phạm. Qua đó, tạo tính răn đe, phòng ngừa chung trong học sinh nhà trường, sẽ loại bỏ những thói quen xấu, hình thành ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông”.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông rơi vào nhóm tuổi từ 16 - 18. Trong độ tuổi này, các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về TTATGT, còn chủ quan, lơ là nên dễ dẫn đến hành vi vi phạm.
Trung tá Trần Văn Minh, Phó Đội trưởng Đội Đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch cao điểm tuần tra, kiểm soát, tập trung phát hiện, nhắc nhở đối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ là học sinh, 8 tổ tuần tra trên toàn tỉnh sau gần 1 tháng ra quân đã phát hiện 23 trường hợp học sinh không đội mũ bảo hiểm; 10 trường hợp đội mũ nhưng không cài quai; 19 trường hợp xe máy điện không có gương chiếu hậu; 2 trường hợp không đủ tuổi nhưng lại điều khiển xe mô tô…
Qua công tác tuần tra, kiểm soát, phía nhà trường, gia đình đã có sự phối hợp tốt hơn trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT trong học đường. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong học sinh, hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ giảm rõ rệt so với trước đây.
Lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp trường học trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhất là lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa, phổ biến kiến thức pháp luật thông qua cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT.
Ngoài các giải pháp xây dựng “văn hóa giao thông” trong học sinh của lực lượng công an, nhà trường, phụ huynh cần quan tâm giáo dục con em trong việc chấp hành pháp luật về TTATGT…
Bài, ảnh: Kim Hiền