Chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục

Năm học 2022 - 2023, HĐND tỉnh Thanh Hóa có Nghị quyết số 286/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 287/2022/NQ-HĐND quy định mức thu học phí và mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ góp phần chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học mới diễn ra tại nhiều trường trên địa bàn tỉnh.

Học phí bảo đảm sự công bằng giữa các vùng

Từ thực tiễn, mức thu học phí đang áp dụng thực hiện đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không còn phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận giáo dục, chưa phát huy định hướng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước và tăng kinh phí chi hoạt động tối thiểu cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 287/2022/NQ-HĐND quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 – 2026.

Thanh Hóa quy định cụ thể mức học phí bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng cho từng vùng miền

Thanh Hóa quy định cụ thể mức học phí bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng cho từng vùng miền

Theo Nghị quyết 287, mức thu học phí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ được phân thành 3 vùng. Trong đó, có sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng và các cấp học bảo đảm nguyên tác công bằng, công khai, minh bạch. Đối với vùng thành thị, mức thu học phí của 3 cấp (mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông) năm học 2022-2023 là 300.000 đồng/học sinh/tháng; năm học 2023 - 2024 là 315.000 đồng/học sinh/tháng; năm học 2024 - 2025 là 330.000 đồng/học sinh/tháng; năm học 2025 - 2026 là 345.000 đồng/học sinh/tháng.

Vùng nông thôn, mức thu học phí của cấp mầm non, trung học cơ sở năm học 2022 - 2023 là 100.000 đồng/học sinh/tháng; năm học 2023 - 2024 là 105.000 đồng/học sinh/tháng; năm học 2024 - 2025 là 110.000 đồng/học sinh; năm học 2025 - 2026 là 115.000 đồng/học sinh/tháng. Riêng cấp trung học phổ thông là 200.000 - 210.000 - 220.000- 230.000 đồng/học sinh/tháng theo từng năm học nêu trên.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi: mức thu học phí của cấp mầm non, trung học cơ sở năm học 2022 - 2023 là 50.000 đồng/học sinh/tháng; năm học 2023 - 2024 là 52.000 đồng/học sinh; năm học 2024 - 2025 là 55.000 đồng/học sinh/tháng; năm học 2025 - 2026 là 58.000 đồng/học sinh/tháng. Riêng cấp học trung học phổ thông là 100.000 - 105.000 - 110.000 - 115.000 đồng/học sinh/tháng theo từng năm học nêu trên.

Nghị quyết cũng quy định rõ, mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học công lập là mức để hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định. Bên cạnh đó, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên tối đa bằng 2 lần mức thu học phí của các trường chưa bảo đảm chi thường xuyên; mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư tối đa bằng 2,5 lần mức thu học phí của các trường chưa bảo đảm chi thường xuyên. Đặc biệt, mức thu học phí học trực tuyến đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026 bằng 80% mức học phí học trực tiếp.

Nghị quyết cũng quy định rõ mức thu, thời gian thu học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng trên địa bàn tỉnh. Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lê Thị Như Hoa khẳng định, Nghị quyết 287 của HĐND tỉnh đã áp dụng mức thu tối thiểu theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Mức thu này là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo quy định, hướng đến mục tiêu bảo đảm chất lượng giáo dục cao nhất.

Quy định mức thu “tối đa” các khoản thu dịch vụ của nhà trường

HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Nghị quyết số 286/2022/NQ-HĐND quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ góp phần chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học mới diễn ra tại nhiều trường trên địa bàn tỉnh.

Theo nghị quyết, các khoản khu này được thu trên nguyên tắc thu đủ bù chi, phù hợp với thu nhập của gia đình người học và không vượt quá mức thu quy định tại Nghị quyết này. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục tổ chức thu nhưng phải bảo đảm điều kiện: dự toán chi tiết các khoản thu, chi; công khai với cha mẹ học sinh để thống nhất mục đích thu, chi; chỉ thu khi người nộp tự nguyện; tất cả các khoản thu sau khi thực hiện phải được quyết toán, bảo đảm dân chủ, tự nguyện, công khai theo quy định. HĐND tỉnh cũng đã quy định cụ thể danh mục các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục để các nhà trường có căn cứ cụ thể thực hiện.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng ra công văn, hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc triển khai, thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022 - 2023.

Thực tế, dù đã có Nghị quyết quy định cụ thể các khoản thu nhưng một số trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn xảy ra tình trạng xuất hiện các khoản thu “mềm” trên tinh thần “tự nguyện”. Nhiều phụ huynh chia sẻ, một số khoản thu như: quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, khuyến học, xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất, tiền đồng phục, phí khảo sát học thêm,… được các nhà trường đưa ra để thu đầu năm học khiến áp lực kinh tế rất nặng nề, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Thanh Hóa giám sát về giáo dục trên địa bàn tỉnh

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Thanh Hóa giám sát về giáo dục trên địa bàn tỉnh

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Tạ Hồng Lựu cho hay, riêng khoản thu dịch vụ, Nghị quyết HĐND chỉ quy định mức thu tối đa, Sở Giáo dục đã hướng dẫn cụ thể phòng Giáo dục và đào tạo các địa phương để tham mưu cho từng địa bàn. Các cơ sở giáo dục khi xây dựng dự toán thu các khoản dịch vụ này phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và các mức thu đang thực hiện ở năm học trước để xây dựng dự toán chi tiết trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc xây dựng dự toán phải công khai, bàn bạc với cha mẹ học sinh, lấy ý kiến cha mẹ học sinh trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mới triển khai thực hiện. Đối với các đơn vị trường học có phản ánh thu nhiều khoản ngoài quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiểm tra và đa số các trường mới dự thảo các khoản thu, chưa tổ chức thu. Đối với những trường này, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát việc triển khai thu, chi để có sự chấn chỉnh kịp thời nếu để xảy ra sai phạm.

Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lê Thị Như Hoa khẳng định, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đề ra các khoản thu không nằm trong quy định sẽ gây lực rất lớn cho phụ huynh có con đang theo học ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Do đó, không tránh khỏi bức xúc trong dư luận. Bà hoa cho rằng, phụ huynh cần nắm rõ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo về những khoản tiền nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu. Phụ huynh dứt khoát từ chối nộp những khoản tiền không đúng quy định. Trường hợp giáo viên chủ nhiệm hay nhà trường làm sai, phụ huynh thông báo cho hiệu trưởng hoặc gọi đến Đường dây nóng của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thanh tra, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, việc giám sát, quy định rõ ràng của Ban Giám hiệu nhà trường là rất quan trọng để tránh phát sinh các khoản lạm thu.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam khẳng định, thực trạng lạm thu, chi sai các khoản thu tự nguyện và thu theo kiểu “cào bằng” khiến các gia đình khó khăn càng thêm gánh nặng. Do vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm lạm thu. Cùng với đó, việc chống lạm thu trong trường học cần quyết liệt và bắt đầu từ lãnh đạo mỗi nhà trường. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban, các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này, kỳ vọng câu chuyện lạm thu sẽ không còn là vấn đề “nóng” trong các nhà trường mỗi khi bắt đầu năm học mới.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/chan-chinh-tinh-trang-lam-thu-tai-cac-co-so-giao-duc-i304002/