Chăn con công và thương nhớ xa xôi

Đôi lúc, muốn nhắm mắt lại để mơ về những hình ảnh thân thương chỉ còn trong ký ức. Khi ta là đứa bé con, nằm cuộn tròn trong cái chăn nặng trịch, hít hà mùi trầu của bà.

Đã sang tháng mười hai, chớp mắt một cái là đến Tết. Thế mà, người ta vẫn kháo nhau rằng chưa được hưởng cái lạnh của mùa đông. Gió bấc cứ thổi được hai, ba hôm là im bặt, trời lại nắng hanh. Giữa trưa, chỉ cần mặc cái áo len mỏng như độ cuối thu là đủ. Lạnh lẽo, rét mướt chỉ làm cho người ta thêm lười biếng. Chẳng ai buồn ra phố, nếu có thèm ly café cũng cố nhịn, buốt giá thế này ai muốn ra đường.

Bất tiện là thế, nhưng người ta vẫn thèm lạnh, thèm được cuộn mình trong chăn ấm ngủ một giấc thật sâu để nuông chiều bản thân thêm chút nữa. Thật mâu thuẫn phải không? Bởi thế, đôi khi chúng ta chẳng hiểu nổi bản thân mình?...

Mùa đông Hà Nội, nằm trong căn phòng trọ yên tĩnh, những kẻ xa quê bỗng thấy nhớ nhà khủng khiếp. Thèm được sà vào lòng bà và mẹ, cuộn mình ngủ trong chiếc chăn bông nặng trịch, đẫm những kỉ niệm ấu thơ.

Chăn con công là thứ đồ dùng quen thuộc với rất nhiều người. Ảnh: aFamily.vn

Chăn con công là thứ đồ dùng quen thuộc với rất nhiều người. Ảnh: aFamily.vn

Sáng mùa đông, mỗi lần thức dậy gấp chăn, dọn dẹp lại giường chiếu, tôi lại bật cười nhớ về ngày còn nhỏ. Cả nhà đắp cái chăn bông vừa to vừa nặng, mà hai chị em lại bé con con như mèo hen. Hai đứa vật lộn mất chục phút mới gấp xong chăn màn. Em gái tôi vẫn nhìn mẹ bằng con mắt đầy thán phục, mẹ chỉ cần giũ nhẹ một cái, chăn chiếu đã phẳng phiu.

Chăn bông bây giờ rất nhẹ và ấm, chẳng bù cho trước kia, vừa nặng, lại cồng kềnh. Không đắp chăn thì lạnh, đắp vào thì muốn cựa quậy, trở mình một chút cũng khó. Tôi cảm giác mình như con sâu nhỏ, bị trói chặt trong lớp kén. Thế nhưng, tôi vẫn thích những ngày đầu đông, khi bà và mẹ lấy chăn bông ra khỏi tủ. Những cái chăn con công đỏ đỏ, xanh xanh, rồi chăn hoa sặc sỡ làm cả căn nhà sáng bừng lên.

Ngày ấy còn rất khó khăn, quanh năm đi tới đâu cũng nhìn thấy một màu áo cũ bàng bạc, nhạt nhòa và buồn tẻ. Tôi đã từng nghĩ rằng: Chăn con công hay chiếc chăn hoa của bà là thứ đẹp đẽ nhất mà tôi từng thấy. Có lần, tôi thì thầm với mẹ một ước ao. Giá mà được cắt một góc chăn, để làm bông hoa xinh xinh cài lên áo thì thích. Nghe xong, mẹ phải nạt cho một trận, vì sợ khi cả nhà đi vắng, chị em tôi lại “làm liều”.

Vài năm trước, mặc trang phục in họa tiết chăn con công trở thành trào lưu trong giới trẻ.

Vài năm trước, mặc trang phục in họa tiết chăn con công trở thành trào lưu trong giới trẻ.

Những hôm mẹ tháo vỏ chăn ra để giặt giũ, hai chị em lại vui như mở cờ trong bụng, tranh thủ lấy vỏ chăn ra làm váy áo, đi đi lại lại, trình diễn thời trang tại gia. Cả nhà nhìn hai đứa trẻ dở dở ương ương cười ngặt nghẽo.
Độ mươi ngày, cứ có nắng lên là bà lại đem chăn ra phơi, bảo rằng chỉ cần hong một buổi thôi, chăn cũng sẽ thơm tho, nằm đỡ khó chịu. Bà lễ mễ bê chăn ra sân, cái chăn nặng trịch làm dây phơi oằn xuống. Cái chăn cứ thế trĩu xuống là là mặt đất. Chị em tôi nhanh nhảu vác hai cây sào dài ra cho bà. Ba bà cháu cẩn thận chống ở hai đầu, dây phơi bắt đầu ngay ngắn.

Em bé nhà dì tôi chỉ chờ có thế là chạy ào ra sân chơi trốn tìm, chơi ú òa. Cái chăn to vừa mới được phơi lên là chỗ trốn lý tưởng của cu cậu. Tiếng em cười thật giòn, đôi má ửng hồng trong cái nắng ngày đông. Lần nào phơi chăn, bà cũng sai chị em tôi đi lấy cái đòn gánh to, đập lên chăn lấy mươi cái cho bụi bặm bay bớt. Những hạt bụi li ti như kim tuyến, lấp lánh dưới nắng, khiến tôi đưa mắt nhìn theo mãi.

Cứ hai ba năm, bà tôi lại gọi người đến “cung” chăn bông một lần. “Cung”chăn bông thực chất là dùng kim chỉ, khâu lại ruột chăn theo đường chéo cho chắc chắn. Nhưng chiếc chăn bông cũ, cứ dùng được vài năm là bị vón bông, khiến chỗ dày, chỗ mỏng không đều nhau.

Ra Tết, những người làm nghề cung chăn bông dạo lại đạp xe khắp các ngõ xóm, cất tiếng rao lanh lảnh: “Ai cung chăn bông nào!”. Khoảng ba bốn cô, dáng người phốp pháp đến nhà tôi, mang theo những cuộn chỉ to như cổ chân, vừa làm vừa nói chuyện rổn rảng. Những ngón tay khéo léo, cứ thế mải miết khâu, đều thoăn thoắt. Chẳng mấy chốc, ba bốn cái chăn to đã được cung xong, trông chắc chắn hơn hẳn. Những đường chỉ trắng muốt tạo thành ô mắt cáo đều tăm tắp trên ruột chăn cũ đã ngả màu vàng.

Nhiều quán cafe tái dựng không gian thời bao cấp đã dùng chăn con công để trang trí. Ảnh: Ngoisao.net.

Nhiều quán cafe tái dựng không gian thời bao cấp đã dùng chăn con công để trang trí. Ảnh: Ngoisao.net.

Giờ đây, ruột chăn siêu nhẹ được chần rất cẩn thận, nghề “cung chăn bông” chắc cũng "thất truyền". Đầu đông, hay cuối xuân, tôi không còn được nghe tiếng rao lanh lảnh của họ ở khắp các ngõ xóm nữa.

Bây giờ mua cái gì cũng dễ. Chăn đệm dùng chán, thấy lỗi mốt rồi người ta lại mua bộ mới. Bà tôi kể, vào cái thời của bà, cái ruột chăn bông dày bình bịch kia, cùng với mấy cái vỏ chăn con công mà chúng tôi vẫn chê lòe loẹt là thứ quý hiếm lắm. Cuối năm, hay ra Tết, nhà nào chuẩn bị cưới cho con, phải chạy vạy vất vả lắm mới mua được cái chăn cùng đôi gối mới. Quà hồi môn mà người mẹ dành cho con gái thường là một cái chăn con công, vừa ý nghĩa, lại thiết thực. Bà tôi vẫn thường nói thế.

Mấy năm trở lại đây, khi vào những quán cafe tái dựng lại không gian thời bao cấp, tôi bắt gặp những cái gối tựa xinh xinh được may bằng vỏ chăn con công. Những màu sắc sặc sỡ ấy làm cho không gian nhỏ ấm cúng lạ lùng, những kí ức xa xăm cũng theo đó hiện lên sống động.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chan-con-cong-va-thuong-nho-xa-xoi-post1019875.html