Chặn dịch Covid-19 lây lan vào khu công nghiệp
Đợt dịch Covid-19 thứ tư này có rất nhiều khác biệt so với ba đợt dịch trước. Ngoài ghi nhận biến chủng của vi-rút làm cho khả năng lây lan tăng cao, dịch tấn công mạnh vào khu công nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn là điều rất đáng lưu ý. Đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh… bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đã có một số khu công nghiệp phải đóng cửa, làm đình trệ quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa. Sau khi càn quét tại khu vực phía bắc, dịch đang tấn công vào các tỉnh phía nam, nhất là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều cho rằng: Nguy cơ dịch xuất hiện và xâm nhập khu công nghiệp ở mức cao. Phó Thủ tướng lưu ý, dịch xâm nhập vào khu công nghiệp là một bài toán hoàn toàn khác so với ở cộng đồng vì số lượng đông đảo công nhân và môi trường khép kín.
Do vậy, các địa phương và chính ban quản lý các khu công nghiệp, doanh nghiệp cần có những biện pháp phòng, chống khác trước. Trong đó, việc chủ động lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng và có phương án cách ly hàng chục nghìn công nhân, điều trị hàng nghìn người bệnh… là rất quan trọng. Dựa trên kinh nghiệm sử dụng chiến thuật phối hợp về xét nghiệm nhanh, mẫu gộp PCR và mẫu đơn PCR, các địa phương cần chủ động mua sắm test nhanh. Khi có điểm dịch tại các cơ sở sản xuất, test nhanh sẽ giúp nhanh chóng nhận diện được trường hợp nguy cơ, kịp thời khoanh vùng, dập dịch.
Để đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, hơn lúc nào hết, từng doanh nghiệp, từng địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp không làm đứt gãy quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa. Từ kinh nghiệm của Bắc Giang, Bắc Ninh, các địa phương cần thành lập bộ phận giám sát thường trực việc phòng, chống dịch trong khu công nghiệp. Chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra; yêu cầu doanh nghiệp cam kết phòng, chống dịch.
Về phía doanh nghiệp, cần lên kế hoạch phòng, chống dịch chi tiết, cụ thể và có sự hỗ trợ, giám sát của cơ quan y tế và chính quyền địa phương. Thực hiện ngay việc khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe của tất cả mọi người làm việc trong khu công nghiệp. Những người có lịch trình đi lại, tiếp xúc ẩn chứa nguy cơ cần được xét nghiệm sàng lọc. Với tình hình và nguy cơ dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp phải an toàn mới được hoạt động, sản xuất.
Những địa phương có khu công nghiệp, dù chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 vẫn phải tăng cường kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch. Trong quá trình kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp phải cập nhật đầy đủ thông tin lên hệ thống an toàn Covid (antoancovid.vn), để luôn chủ động nắm bắt tình hình, từ đó triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch sát thực tế. Các khu công nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra giám sát, để khi phát hiện ca nhiễm mới công tác truy vết sẽ đơn giản, nhanh chóng.
Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cần có phương thức tổ chức lại sản xuất các ca, kíp, khu vực sản xuất gắn với bố trí chỗ ở cho công nhân. Trong tình huống có ca nhiễm Covid-19, chỉ khoanh vùng, cách ly ngay nhóm công nhân cùng ca, kíp, ở cùng khu vực, không để lan sang bộ phận khác, doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động.