Chấn động bóng đá Anh: Man City đối mặt nguy cơ khủng hoảng
'Gã trọc phú' thành Manchester vừa phải nhận án phạt cấm thi đấu 2 năm tại các cúp châu Âu kèm theo 25 triệu bảng vì vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Công bằng tài chính (FFP). Thậm chí, nhà ĐKVĐ Premier League còn có thể bị đẩy xuống chơi ở hạng 4.
Vì sao Man City nên tội?
Không chỉ vi phạm nghiêm trọng Luật Công bằng tài chính, mà Man City còn có dấu hiệu che giấu doanh thu trong những báo cáo gửi đến UEFA.
Đội chủ sân Etihad đã khai khống doanh thu (đến từ các nhà tài trợ) trong báo cáo tài chính gửi lên UEFA trong giai đoạn từ 2012 - 2016. Việc trả lương cầu thủ quá cao và chiêu mộ nhiều ngôi sao là lý do khiến Man City buộc phải phóng đại doanh thu, hòng lách luật công bằng tài chính.
Luật Công bằng tài chính được UEFA thông qua nhằm hạn chế tối đa các câu lạc bộ có mức chi vượt mức thu.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016, Man City đã nhận nhiều khoản tiền "hỗ trợ" trái phép từ công ty mẹ ở UAE. Những khoản tài chính "ảo" này đã núp bóng doanh thu kiếm được từ hoạt động kinh doanh hình ảnh.
Sau khi nắm được các sai phạm của Man City, UEFA dần công khai các tài liệu vi phạm từ cuối năm 2018. Con số mà Abu Dhabi United (công ty mẹ) đã chuyển khoản trái phép cho Man City khoảng 60 triệu bảng/năm. Man City đã dùng con số này để trả nợ, thay vì dùng tiền tự mình kiếm được.
Trong luật công bằng tài chính, hành vi nhận tiền từ nguồn ngoài nội lực để thực hiện các hoạt động liên quan đến chi trả nội bộ hay trả nợ đều là hành vi vi phạm nghiêm trọng. Nó có thể dẫn đến lạm phát trên thị trường chuyển nhượng, phá giá cầu thủ và gây tác động tiêu cực đến những đội bóng nhỏ.
UEFA cho biết, Man City có quyền kháng cáo lên Tòa án Thể thao (CAS) về án phạt.
Phản ứng trước án phạt nặng nề của UEFA, Man City phủ nhận mọi hành vi sai trái và cáo buộc cơ quan quản lý bóng đá châu Âu đưa ra án phạt trước khi bắt đầu cuộc điều tra. CLB chủ sân Etihad thông báo rằng họ sẽ kháng cáo.
Tương lai u ám đang chờ đợi Man City
Mùa trước, Man City kiếm được 86 triệu bảng từ Champions League với thành tích vào tứ kết. Với án cấm tham dự trong 2 mùa, đội chủ sân Etihad sẽ mất khoảng 170 triệu bảng. Bên cạnh đó, Man City còn bị phạt tiền 25 triệu bảng. Chưa kể, là còn bị mất các doanh thu từ quảng cáo khác…
Nếu Tòa án thể thao quốc tế (CAS) vẫn giữ nguyên án phạt, Man City có thể sẽ rơi vào khủng hoảng. Đặc biệt là đấu trường Champions League hai mùa tới sẽ là đòn đánh nặng nề giáng vào CLB này. Phán quyết mà UEFA vừa đưa ra dấy lên những câu hỏi về tương lai HLV Pep Guardiola cũng như đối diện nguy cơ mất các ngôi sao hàng đầu.
Man City đang ở vị trí thứ 2 Ngoại hạng Anh hiện nay và nhiều khả năng sẽ nằm trong Top 4 đội dự Champions League mùa tới. Do đó, suất dự Champions League của Man xanh sẽ được đội hạng 5 Ngoại hạng Anh mùa này thay thế.
Phiên chuyển nhượng mùa hè vừa qua, truyền thông nước Anh đã đề cập đến việc HLV Pep Guardiola được CLB Juventus liên hệ. Nhưng cuối cùng, chiến lược gia người Tây Ban Nha cam kết gắn bó với Man City khi hợp đồng giữa hai bên còn đến 2 năm.
Khả năng HLV Pep Guardiola sẽ ra đi vào cuối mùa nếu Man City thất bại ở cả Premier League và Champions League. Hiện Man City đang bị Liverpool bỏ xa trong cuộc đua giành chức Ngoại hạng Anh. Tại đấu trường châu Âu, cửa đi tiếp của họ cũng không mấy sáng sủa khi đối thủ tại vòng 16 đội sắp tới là Real Madrid.
Guardiola dẫn dắt Man City từ hè 2016. Trong 4 năm ở Manchester, ông giúp đội bóng này 2 lần vô địch Ngoại hạng Anh, đoạt 1 Cup FA, và 2 Cup Liên đoàn. Nếu nửa xanh thành Manchester bị cấm cửa tại cúp châu Âu, họ gần như không có gì để níu giữ quyết tâm ra đi của Pep.
Với việc quy tụ hàng loạt ngôi sao hàng đầu châu Âu, Man City hiện đang là đội bóng có giá trị đội hình cao nhất tại Ngoại hạng Anh, lên tới 1,16 tỷ bảng. Với án phạt của UEFA, nhiều khả năng Etihad tới đây sẽ là cái "chợ giảm giá" chất lượng để các đội bóng lớn xâu xé.
Trong số các cầu thủ hàng đầu ở Man City hiện tại, Aymeric Laporte, Bernardo Silva và thủ môn Ederson là còn hợp đồng dài hạn. Kevin De Bruyne và Raheem Sterling còn 3 năm hợp đồng. Đây là những cầu thủ đang được Real Madrid và Barca quan tâm. Cùng với đó, Man City cũng sẽ đối mặt với việc mất cầu thủ chạy cánh Leroy Sane, người đang được Bayern Munich thèm khát.
Việc bị cấm thi đấu cũng khiến Man City không còn là điểm đến lý tưởng cho các cầu thủ, nên việc xây dựng lại đội bóng càng thêm khó khăn.
Việc Abu Dhabi đầu tư hàng trăm triệu euro vào Man City, Qatar sở hữu Paris Saint-German... như là vấn đề cốt lõi của những đế chế thể thao trên toàn thế giới, những thế lực ít nhiều liên quan tới dầu mỏ.
Các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nga và Mỹ giờ đây lấn át các quan chức bóng đá, biến những giải đấu đỉnh cao thành một phiên bản tài chính toàn cầu, trong đó UEFA, FIFA hay thậm chí cả các chính phủ trở thành những kẻ bất lực đứng ngoài cuộc chơi.