Chặn 'dòng chảy' ma túy vào Việt Nam
Ngày 20/2/2023, lực lượng hải quan sân bay Nội Bài nghi vấn có chất cấm trong kiện hành lý của một phụ nữ quốc tịch Việt Nam, trên một chuyến bay từ Ba Lan. Khi được hỏi, người phụ nữ cho biết đây là 'đồ bán kiện' (vận chuyển thuê hàng hóa khi đi máy bay mà không sử dụng hết tiêu chuẩn hành lý ký gửi - PV) và khẳng định 'không hề biết đó là gì'. Tự tay rạch những túi nilon màu đen trong valy, người này bất ngờ và bật khóc, bởi nó chứa đầy những viên nén màu hồng. Tiến hành test nhanh, kết quả dương tính với ma túy tổng hợp, cơ quan hải quan phối hợp lực lượng công an đấu tranh bắt giữ 2 đối tượng cùng 105 kg ma túy tổng hợp các loại.
Sự việc này đã “mở màn” cho một năm Quý Mão 2023 hết sức “nóng bỏng” của lực lượng phòng, chống ma túy nói chung và lực lượng hải quan chốt chặn tại các cửa khẩu biên giới nói riêng.
Không từ thủ đoạn nào
Thời gian qua, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Đối với tuyến đường bộ, ma túy tuồn vào chủ yếu tại các các khu vực biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Đặc biệt, hoạt động vận chuyển ma túy năm 2023 đã chuyển dịch, tập trung nhiều ở các sân bay quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt là các chuyến bay từ châu Âu (Đức, Séc, Anh, Hà Lan...) về Việt Nam. Khi bị triệt phá đường dây tại một trong các địa bàn trọng điểm, các đối tượng chuyển sang nước khác trong khối EU, Nam Mỹ để đánh lạc hướng.
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội, trước đây, số lượng mang theo người và hành lý cá nhân khi đi máy bay không nhiều. Nhưng gần đây, các đối tượng có thể mang tới hàng trăm kg ma túy tổng hợp các loại hoặc 5 - 10 kg cocain, ketamin trong một lần vận chuyển.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, không theo quy luật. Vụ việc đề cập ở đầu bài viết là một phương thức điển hình. Các đối tượng thông qua mạng xã hội, tìm kiếm, kết bạn, lợi dụng các phụ nữ có hoàn cảnh éo le, hứa hẹn đưa ra nước ngoài du lịch miễn phí. Quá trình đi du lịch đối tượng gửi hành lý có chứa ma túy để họ vận chuyển về Việt Nam. Có đối tượng thuê người nước ngoài, chủ yếu có quốc tịch trong khối ASEAN để được hưởng ưu đãi miễn visa, có lịch bay vòng qua nhiều nước không phải là trọng điểm buôn bán ma túy rồi mới vào nước ta.
Một số trường hợp khác, chúng thuê những người thường xuyên di chuyển bằng máy bay quốc tế như tiếp viên hàng không, du học sinh, người xuất khẩu lao động,… thậm chí lợi dụng sự mất cảnh giác của những người đi cùng chuyến bay để nhờ xách hộ hàng hóa chứa ma túy. Ngoài ra, các kiện hàng chuyển phát nhanh qua đường hàng không cũng được tận dụng triệt để.
Với từng phương thức, đối tượng dùng các thủ đoạn tinh vi khác nhau để đối phó với cơ quan chức năng. Thay vì giấu ma túy vào các gói thực phẩm chức năng, bánh, kẹo, kem đánh răng, thức ăn động vật, dầu gội… như trước, gần đây, ma túy còn được giấu trong các máy móc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng; trong các bịch nilon quấn băng keo kín để bên trong thân máy làm kem, máy nén khí, trong các lon bia, lọ nhựa... Cá biệt còn có vụ thay bột chống dính trong găng tay y tế thành ma túy.
Để qua mắt lực lượng chức năng, hàng hóa thường không ghi tên người nhận, số điện thoại trên kiện hàng mà được mã hóa; giao nhận qua nhiều đơn vị vận chuyển, tại mỗi điểm trung chuyển phải chờ xác nhận đầu nước ngoài mới xác định được điểm giao hàng tiếp theo.
Tội phạm ma túy không từ một thủ đoạn nào để có thể vận chuyển trái phép ma túy vào Việt Nam. Thậm chí còn tổ chức trinh sát ngược lại lực lượng chức năng bằng nhiều hình thức khác nhau. Chia sẻ với phóng viên, công chức Đội Thủ tục hàng hóa xuất khẩu, cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, có trường hợp, cơ quan hải quan phát hiện một số chiếc đế giày có vật thể lạ nhưng mở ra chỉ là miếng sắt. Có trường hợp trong hũ thực phẩm gửi đi thấy có vật thể lạ, lấy ra thì bên trong chỉ là 1 củ giềng. Hiện tượng này cho thấy, tội phạm sử dụng rất nhiều phương pháp thử cơ quan chức năng trước khi vận chuyển hàng thật.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Trước tình hình phức tạp, để mang lại kết quả triệt để hơn, công tác phối hợp là hết sức quan trọng để có thể phát huy sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), nhiều kế hoạch, hoạt động, dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy của Hải quan Việt Nam đã phát triển cả về quy mô và chiều sâu, trên cả bình diện song phương và đa phương. Đặc biệt, Hải quan Việt Nam đã ghi dấu ấn với thành công của Chiến dịch Con rồng Mê Kông, kết nối hải quan 25 quốc gia cùng nhiều cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế.
Đấu tranh với ma túy là cuộc chiến không có hồi kết. Để “thắng”, lực lượng hải quan chốt tại các cửa khẩu biên giới, dù là đường bộ, đường biển, hay hàng không vẫn đang ngày đêm quyết tâm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, để xứng đáng là lực lượng tiên phong, chốt chặn trên tuyến đầu, không để ma túy vào nội địa, giữ vững an ninh quốc gia và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Thành tích lớn của cơ quan hải quan
Với sự hỗ trợ đắc lực cả trong và ngoài nước, năm qua, Hải quan Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với phát hiện, bắt giữ 243 vụ vận chuyển ma túy với 277 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 112 vụ. Tang vật thu được khoảng 2,8 tấn ma túy các loại gồm thuốc phiện; cần sa; heroin; cocain; ketamin; ma túy tổng hợp; cỏ mỹ và nước vui.
Bình luận về những con số khổng lồ này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã cảm thán rằng: “Nếu để lọt 2,8 tấn ma túy này thì không thể tưởng tượng được hậu quả cho xã hội sẽ lớn như thế nào. Chính vì vậy, đây là một thành tích rất lớn của cơ quan hải quan”.