Chấn động: Khối u ung thư biến mất nhờ... tiêm virus bệnh tình dục
Biến đổi gien một loại virus gây ra bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, các nhà khoa học Anh đã đảo ngược thần kỳ tình trạng của những bệnh nhân ung thư rất nặng, cận kề cửa tử.
Theo Medical Xpress, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng RP2 - một phiên bản sửa đổi của virus herpes simplex - có dấu hiệu hiệu quả ở 1/4 số bệnh nhân mắc một loạt bệnh ung thư đang tiến triển mạnh bao gồm ung thư hắc tố, ung thư thực quản và ung thư vùng đầu - cổ.
Tất cả những người tham gia thử nghiệm đều đã "cận kề cửa tử" bởi căn bệnh diễn tiến xấu rất nhanh dù đã thử mọi phương pháp điều trị, thậm khí kháng trị cả với liệu pháp miễn dịch tiên tiến nhất.
Những phát hiện ban đầu - vừa được trình bày tại Đại hội Hiệp hội Ung thư Y tế Châu Âu (ESMO) năm 2022 - cho thấy virus herpes simplex có thể là chiếc phao cứu sinh kỳ diệu.
Virus herpes simplex, bao gồm loại 1 và 2, gây ra mụn rộp ở quanh miệng hoặc vùng sinh dục, là một loại virus phổ biến thường lây truyền qua đường tình dục, một số ít lây qua việc hôn hay dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt.
Nhưng nhóm nghiên cứu Anh quốc từ Viện Nghiên cứu Ung thư ở London và Tổ chức Royal Marsden NHS Foundation Trust, đã biến đổi gien loại virus gây bệnh đó để biến nó thành virus diệt ung thư kháng trị với liệu pháp miễn dịch, mang tên RP2.
Virus RP2 được biến đổi gen, tiêm trực tiếp vào khối u, được thiết kế để có tác dụng kép. Nó nhân lên bên trong các tế bào ung thư để phá vỡ chúng từ bên trong, đồng thời ngăn chặn một loại protein được gọi là CTLA-4 vốn chống lại khả năng miễn dịch tự nhiên lẫn liệu pháp miễn dịch.
RP2 cũng đã được sửa đổi để tạo ra các phân tử được gọi là GM-CSF và GALV-GP-R, cung cấp cho virus khả năng bổ sung để kích hoạt hệ thống miễn dịch hoạt động chống lại bệnh ung thư.
Ba trong số chín bệnh nhân được điều trị bằng RP2 đã được hưởng lợi từ việc điều trị và thấy các khối u của họ thu nhỏ lại. Một bệnh nhân bị ung thư tuyến nước bọt đã thấy khối u của mình biến mất hoàn toàn và không còn ung thư sau 15 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị.
Hai bệnh nhân khác trong nhóm này bị ung thư thực quản và u ác tính màng bồ đào - một loại ung thư mắt hiếm gặp - đã di căn đến gan. Họ thấy các khối ung thư của họ thu nhỏ lại và vẫn đáp ứng tương ứng 18 và 15 tháng sau khi bắt đầu điều trị - có nghĩa là bệnh ung thư của họ không tiến triển nữa.
Bảy trong số 30 bệnh nhân nhận được một liều "song kiếm hợp bích" của RP2 và liệu pháp miễn dịch nivolumab cũng được hưởng lợi từ việc điều trị, bởi RP2 đã "cởi trói" cho nivolumab.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét sinh thiết của bệnh nhân trước và sau khi tiêm RP2 và nhận thấy những thay đổi tích cực trong "vi môi trường miễn dịch" của khối u — khu vực ngay xung quanh khối u. Tiêm thuốc dẫn đến nhiều tế bào miễn dịch hơn trong khu vực và "bật" các gen liên quan đến phản ứng miễn dịch "chống ung thư".
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu hết các tác dụng phụ của RP2 đều nhẹ - một số tác dụng phụ thường gặp nhất là sốt, ớn lạnh và mệt mỏi. Không có tác dụng phụ nào đủ nghiêm trọng để yêu cầu can thiệp y tế.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Kevin Harrington, chuyên gia về liệu pháp ung thư sinh học tại Viện Nghiên cứu Ung thư, cho biết: "Hiếm khi thấy tỉ lệ đáp ứng tốt như vậy trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu, vì mục đích chính của chúng là kiểm tra độ an toàn trong điều trị và chúng liên quan đến những bệnh nhân mắc bệnh ung thư rất nặng mà các phương pháp điều trị hiện tại đã ngừng hoạt động".
Đây là một tin vui lớn bởi tất cả bệnh nhân tham gia thử nghiệm đều đã là những ca bệnh y học hiện đại "bó tay", một số người thậm chí không còn đáp ứng với các liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ và thường xuyên phải sống trong đau đớn.
Kết quả đáng mừng này cũng tạo khích lệ lớn cho các nhà khoa học để họ tiến tới bước thử nghiệm lâm sàng tiếp theo, với quy mô lớn hơn, có thể kết hợp với sự cải thiện trong công nghệ để lợi ích của liệu pháp được tăng lên.