Chán Dubai buồn tẻ, người đàn ông nước ngoài đến Việt Nam bán kem 'vỉa hè'

Cửa hàng kem Thổ Nhĩ Kỳ của Bezgin Edip rất hút khách vì ông chủ luôn chân luôn tay biểu diễn, vừa quấy kem, vừa đánh chuông, vừa múc kem và cả màn biểu diễn sôi động của người bán.

Người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ bán kem tại TP.HCM

Anh Bezgin Edip vừa dùng lực rất mạnh để quấy kem, vừa gõ chuông và làm "ảo thuật" trước các thực khách ở Lễ hội Tết Việt, sự kiện vừa diễn ra tại TPHCM. Sự độc, lạ trong cách bán hàng khiến thực khách xúm lại quầy hàng của anh. Anh bán kem vừa bán vừa rao "kem đây, kem đây" bằng giọng lớ lớ của người vừa học tiếng Việt.

Anh Bezgin sinh ra và lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh từng gắn bó với nghề làm kem ở quê hương của mình. Sau đó, anh sang Dubai làm đầu bếp cho các chuỗi khách sạn. Cuộc sống mà theo anh có phần buồn tẻ ở Dubai khiến anh có ý định tìm đến một nơi nhộn nhịp vui vẻ.

Anh Bezgin Edip.

Anh Bezgin Edip.

Một lần, một người bạn của Bezgin rủ anh sang Việt Nam. Và thế là anh Bezgin bắt đầu hành trình sang Việt Nam, bắt đầu với việc làm tại một công ty về đá xây dựng.

Sau đó, nắm bắt thị trường kem ở Việt Nam, anh bắt đầu bán kem Nha Trang Khánh Hòa từ năm 2017. Năm 2018, anh làm quen với thị trường TPHCM, cụ thể là tại Nhà Bè. Thời gian tiếp theo, Bezgin tiến vào quận 1. Anh chuyên bán tại Nhà Văn hóa Thanh Niên tại quận 1 vào dịp cuối tuần.

Một người làm chung với anh Bezgin cho biết, cô chuyên kết nối với các hội chợ, tìm địa điểm bán kem, còn "chuyên môn" thì người đàn ông đến từ Thổ Nhĩ Kỳ "cân hết". Mỗi cuối tuần, tùy từng dịp, cửa hàng của Bezgin bán từ một trăm ly kem đến vài trăm ly. Dịp Lễ hội Tết Việt năm nay, con số này tăng gấp nhiều lần. Giá mỗi ly kem là 30.000 đồng/ly với các vị như sô cô la, vani và matcha.

Người bán kem được xem là một người nghệ sĩ theo quan niệm Thỗ Nhĩ Kỳ. Khi bán kem người thợ sẽ phải biểu diễn trong trang phục mũ và áo choàng truyền thống của người Thỗ Nhĩ Kỳ. Trong gian hàng kem truyền thống, người thợ lấy kem và rung chuông bằng chiếc muỗng dài - dondurma. Sự hoạt bát của người bán kem sẽ mang lại tiếng cười, sự vui vẻ với thực khách.

Cửa hàng kem Thổ Nhĩ Kỳ rất hút khách vì ông chủ luôn chân luôn tay biểu diễn, vừa quấy kem, vừa đánh chuông, vừa múc kem và cả màn biểu diễn sôi động của người bán.

Màn biểu diễn trước khi ly kem đến tay khách hàng.

Màn biểu diễn trước khi ly kem đến tay khách hàng.

Kem Dondurma là đặc sản, món ăn truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Loại này có độ dai và dẻo đạt đến độ "đặc biệt". Bởi trong thành phần của kem Thổ có chứa salep, 1 loại bột làm từ rễ phong lan.

Bột này khi kết hợp với một số phụ liệu giúp độ dai và dính của kem tăng lên cao. Sau khi làm lạnh, kem tạo thành một khối thống nhất. Người bán không thể dùng muỗng múc được mà phải sử dụng đến dao chặt mạnh mới cắt nhỏ được kem. Vì vậy, người ta gọi đây là kem "dondurma" với ý nghĩa là "đóng băng".

Tuy vui vẻ, hoạt bát, gây cười khi bán hàng nhưng bình thường, Bezgin khá kiệm lời.

Nhận thấy thời tiết ở TPHCM nắng nóng quanh năm, kem sẽ là món khoái khẩu đối với nhiều người dân Việt. Bên cạnh đó, sự thân thiện, vui vẻ, mến khách của người Việt khiến người đàn ông này yêu thích Việt Nam và muốn gắn bó lâu dài ở đây.

Cụ thể, anh đã có kế hoạch kinh doanh dài hạn ở TPHCM khi sẽ mở cửa hàng vào tháng 2 tại quận 7.

Sắp tới, khi Covid-19 qua đi, anh sẽ đưa con trai sang Việt Nam, trước hết là du ngoạn quốc gia hình chữ S mà anh đã gắn bó 4 năm nay.

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/nguoi-dan-ong-dubai-den-viet-nam-ban-kem-708661.html