'Chân dung' 10 trung tâm logistics tại Long An

Theo định hướng quy hoạch tỉnh Long An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 10 trung tâm logistics sẽ nằm tại các địa phương như: Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Huệ, Tân Trụ, Châu Thành và thị xã Kiến Tường.

Theo quy hoạch, huyện Cần Giuộc sẽ có 2 trung tâm logistics. Ảnh: Kỳ Phương

Theo quy hoạch, huyện Cần Giuộc sẽ có 2 trung tâm logistics. Ảnh: Kỳ Phương

Những khu vực được hưởng lợi

UBND tỉnh Long An cho biết, dự án logistics đã có nhà đầu tư thực hiện, gồm: Khu tiếp nhận kho vận – logistics tại cảng quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc), thuộc dự án Cảng Long An do Công ty CP Cảng Long An làm chủ đầu tư, quy mô khoảng 147 ha và Trung tâm Kho vận và dịch vụ logistics (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức), quy mô khoảng 16 ha (đã có Công ty CP Sản xuất, thương mại, dịch vụ Minh Mẫn Long An đầu tư diện tích 6 ha, đang tiếp tục kêu gọi đầu tư quy mô còn lại).

Dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2025 gồm: Trung tâm Kho vận và dịch vụ logistics (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức), quy mô khoảng 50ha; Trung tâm Kho vận và dịch vụ logistics (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc), quy mô khoảng 71,2ha; Trung tâm Kho vận và dịch vụ logistics (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành), quy mô khoảng 150ha, giai đoạn 1 là 25,07ha; Trung tâm Kho vận và dịch vụ logistics (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước), quy mô khoảng 200ha, giai đoạn 1 là 75ha.

Các dự án logistics kêu gọi đầu tư đến năm 2030 gồm: Trung tâm Kho vận và dịch vụ logistics (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức), quy mô khoảng 10 ha; Trung tâm Kho vận và dịch vụ logistics ở khu cửa khẩu Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), quy mô khoảng 10 ha; Trung tâm Kho vận và dịch vụ logistics ở khu cửa khẩu Mỹ Quý Tây (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ), quy mô khoảng 10 ha; Trung tâm Tập kết, phân phối hàng hóa - logistics (xã Nhựt Ninh và xã Đức Tân, huyện Tân Trụ), quy mô khoảng 130,4 ha.

Về phân kỳ đầu tư, UBND tỉnh Long An xác định, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 tập trung kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư các dự án logictics tại địa bàn các huyện: Bến Lức (50 ha, xã Lương Hòa), Cần Giuộc, Cần Đước và Châu Thành.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo, đối với từng dự án logistics của các địa phương, UBND huyện, thị xã, thành phố có dự án logistics tập trung rà soát bổ sung chỉ tiêu và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, cập nhật kế hoạch sử dụng đất, đề xuất phương án tái định cư và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An tập trung thu hút đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 kêu gọi kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư các dự án logictics còn lại tại địa bàn các huyện và thị xã: Bến Lức (10 ha phần còn lại của xã Thạnh lợi), Bến Lức (10 ha, xã Thanh Phú), thị xã Kiến Tường, Đức Huệ và Tân Trụ.

Giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2050 sẽ tập trung rà soát, định hướng phát triển hạ tầng logistics đảm bảo phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đúng theo quy định pháp luật hiện hành.

TP. Tân An không được quy hoạch trung tâm logistics. Ảnh: Kỳ Phương

TP. Tân An không được quy hoạch trung tâm logistics. Ảnh: Kỳ Phương

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng dịch vụ

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Long An yêu cầu tập trung thực hiện các công trình thuộc 3 công trình trọng điểm như: Công trình Đường tỉnh 830 (đoạn từ huyện Bến Lức đến cảng quốc tế Long An); đường vành đai TP. Tân An; quốc lộ 50B (tên cũ là Trục động lực Tiền Giang - Long An - TP. Hồ Chí Minh) và các công trình thuộc chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm, nhằm tăng cường kết nối, lưu thông hàng hóa và tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics.

Song song đó, tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án kết nối nhằm tăng cường liên kết hệ thống giao thông địa phương với các tuyến đường bộ cao tốc, theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030.

Triển khai thực hiện Quyết định số 825/QĐ-TTg, ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025; tiếp tục tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh.

Theo ông Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cùng với đầu tư hạ tầng, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và phát triển dịch vụ logistics cần đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính.

Song song đó, hỗ trợ, cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện, triển lãm về logistics ở trong nước và nước ngoài như cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA), từ đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics.

Đồng thời, tỉnh Long An sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong hoạt động logistics; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào hoạt động logistics.

Khuyến khích sự liên doanh, liên kết, cộng tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn, khai thác, sử dụng thế mạnh hiện có của các doanh nghiệp để triển khai, phát triển dịch vụ logistics…; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hiệp hội, nhóm doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để tăng năng lực cạnh tranh; khuyến khích một số khu công nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics khép kín nhằm rút ngắn thời gian, chi phí giao nhận nguyên vật liệu và sản phẩm.

Để phát triển nguồn nhân lực logistics, tỉnh Long An thực hiện các chính sách hỗ trợ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trình độ chất lượng cao đối với ngành logistics; tiếp tục liên kết với các viện, trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Long An, đặc biệt là nguồn nhân lực cho dịch vụ logistics.

Ngoài ra, tỉnh Long An sẽ thực hiện chế độ đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn đến tỉnh làm việc theo quy định; nghiên cứu, triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển logistics của Chính phủ, các bộ, ngành; xây dựng kênh cung cấp thông tin logistics và phổ biến đến các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chan-dung-10-trung-tam-logistics-tai-long-an-167506.html