Chân dung bạn gái của tân Thủ tướng Anh
Boris Johnson là Thủ tướng Anh đầu tiên trong thời điểm nhậm chức đang ly hôn với vợ và có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ khác. Cô tên là Carrie Symonds, kém Johnson 24 tuổi. Carrie từng là Giám đốc truyền thông của đảng Bảo thủ, nhưng hiện nay cô chỉ tham gia hoạt động xã hội.
Dư luận Anh đang bàn tán xem liệu Carrie có tháp tùng Thủ tướng trong các chuyến thăm chính thức không và cô đóng vai trò gì trong nền chính trị của đất nước.
Cô gái mặc váy hồng
Sáng sớm ngày 24 /7/2019, ông Boris Johnson, tân Thủ tướng 55 tuổi của nước Anh phát biểu trước thềm Dinh Thủ tướng ở nhà số 10 phố Downing. Vào thời điểm đó, các phóng viên nhiếp ảnh tới tập chụp ảnh ông và cả những người thân cận đứng bên ông.
Trong số họ - đa phần là những người bận y phục màu tối sậm - nổi bật lên một phụ nữ trẻ tóc vàng, mặc bộ váy hoa màu hồng. Cô gái mặc váy hồng đó tên là Carrie Symonds. Các phương tiện thông tin đại chúng biết cô từ lâu là một trong những chuyên gia PR thành công nhất nước và là cựu giám đốc truyền thông của đảng Bảo thủ.
Nhưng đây là lần xuất hiện chính thức đầu tiên của cô trong một tư cách khác - bạn gái của Boris Johnson, người đàn ông hai lần lấy vợ, bố của 5 đứa con.
Tháng 9 năm 2018, Johnson và người vợ thứ hai của ông Marina Wheeler thông báo rằng từ lâu họ không sống với nhau và đang chuẩn bị ly hôn. Cũng vào dịp đó, xuất hiện tin đồn về việc chính khách này thường gặp Carrie Symonds. Mùa hè, các báo lá cải viết về mối tình của họ như một sự kiện đã được xác nhận, còn vào cuối tháng 7, có thông tin rằng Carrie sẽ chuyển tới Dinh Thủ tướng ở phố Downing cùng với Boris.
Bạn bè gọi Carrie Symonds là "Apples", vì hai má của cô giống hai quả táo. Cô thích biệt danh này và sử dụng nó trên trang “Facebook” chính thức của mình.
“Tôi đã dùng cơm với cô ấy cách đây hai năm - Nhà bình luận chính trị Rob Watson nói - Cô ấy giống như những chính khách khác của thế hệ mình, thông minh, duyên dáng, hấp dẫn, giao tiếp với mọi người rất lịch thiệp”.
Từ đảng Bảo thủ đến bảo vệ môi trường
Carrie Symonds năm nay 31 tuổi. Bố cô là nhà báo Matthew Symonds, đồng sáng lập tờ Independent, mẹ là bà Josephine Mcaffee, một trong những luật sư của tờ báo. Carrie học trường phổ thông tư danh tiếng Godolphin and Latymer ở phía tây London. Sau đó cô tốt nghiệp Đại học Warwick ở Coventry, chuyên ngành Lịch sử nghệ thuật và sân khấu.
Năm 2012, lần đầu tiên Symonds và Johnson gặp nhau, cô tham gia chiến dịch vận động tái tranh cử chức Thị trưởng London của ông Johnson. Năm ấy, ông Johnson đã đắc cử.
Toàn bộ sự nghiệp tiếp theo của Symonds diễn ra xung quanh các nhân vật cao cấp của đảng Bảo thủ. Cô từng làm PR cho Bộ trưởng Tài chính hiện nay là Sajid Javid. Cô cũng từng là thư ký báo chí cho Bộ trưởng Văn hóa John Whittingdale. Từng làm việc với cựu Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd và Michael Gove (hiện nay ông là Bộ trưởng không bộ, chịu trách nhiệm về “Brexit” của nước Anh).
Năm 2018, mấy tháng trước khi báo chí đồn đoán về mối quan hệ tình cảm của cô với ông Johnson, Carrie Symonds rời đảng Bảo thủ và hiện nay phụ trách các chương trình từ thiện về bảo vệ đại dương thế giới.
“Kẻ hiếp dâm trong taxi”
Tháng 7 năm 2007, khi còn là nữ sinh 19 tuổi, một lần Carrie Sydmons đi dự liên hoan về, đang đứng chờ xe bus, thì có một chiếc taxi màu đen tiến lại gần, tài xế mời cô lên xe chở về nhà. Symonds bảo cô không có tiền đi taxi, nhưng tài xế nói rằng anh ta đi cùng đường.
Sau khi cô lên xe, anh ta kể rằng vừa trúng một khoản tiền lớn ở casino và mời cô uống sâm banh mừng chiến thắng của mình. Sau này Carrie nhớ lại rằng cô không nỡ từ chối một người đã giúp đỡ cô, vì vậy cô cầm ly, nhưng lặng lẽ đổ rượu xuống sàn.
Đi được một lúc, anh ta dừng xe, dường như để đi vệ sinh, và 10 phút sau quay lại. Ngồi xuống bên Carrie ở hàng ghế sau, anh ta mời cô uống vodka - ban đầu Symonds từ chối, nhưng bị anh ta ép - lúc bấy giờ cô đồng ý và đề nghị đưa cô về nhà ngay.
Symonds không nhớ điều gì đã xảy ra với cô khi tỉnh dậy ở nhà. Theo lời kể của mẹ cô, Symonds đứng không vững. Sau đó, Symonds cho rằng có thể hiểu được nếu bị anh ta cưỡng hiếp, nhưng cô tin điều đó đã không xảy ra.
Năm 2008, tay tài xế bị bắt. Hắn tên là John Worboys, vào thời điểm bị bắt, hắn mang biệt danh “kẻ hiếp dâm trong taxi”. Cảnh sát cho rằng hắn đã tham gia khoảng 100 vụ cưỡng hiếp và tấn công trẻ em vị thành niên theo công thức trên.
Cả hai bên đều thận trọng
Các phương tiện truyền thông Anh cảnh báo rằng Carrie Symonds sẽ trở thành “bia đỡ đạn” cho báo chí lá cải. Nhưng hiện tại, các báo này vẫn viết rất ít về cuộc sống của cô với tân Thủ tướng.
Vụ scandal lớn nhất diễn ra vào tháng 6, khi những người láng giềng của Carrie Symonds ở ngôi nhà phía nam London gọi cảnh sát đến, vì họ nghe những tiếng kêu la, đấm đá và những âm thanh khác bên trong. Sau đó, cảnh sát thông báo rằng “đã trao đổi với những người gây ra vụ rắc rối” và không tìm thấy cơ sở để tiếp tục điều tra. Những người đại diện của Boris Johnson từ chối bình luận về vụ này.
Mấy ngày sau, trên các báo xuất hiện bức ảnh hai người ngồi cạnh nhau sau một chiếc bàn bên bờ hồ, âu yếm cầm tay nhau. Các nhà báo bình luận rằng bức ảnh được sắp đặt và “rò rỉ” lên báo để giảm thiểu sự thiệt hại có thể đối với chiến dịch tranh cử Thủ tướng của Johnson. Bản thân ông không trả lời các câu hỏi về bức ảnh. Nói chung, cả Johnson lẫn bạn gái của ông không bình luận gì về mối quan hệ của họ. Hầu như hằng ngày Symonds viết trên “Twitter” về ô nhiễm môi trường và những vấn đề khác. Trên các mạng xã hội không hề có những chuyện riêng tư của cô.
Còn ông Johnson, khi được hỏi về đời tư của mình, nói rằng “không có ý định kể với giới báo chí về những người mà ông yêu mến”.
Chính trị và cuộc sống riêng tư
Thái độ của xã hội đối với đời tư của các chính khách Anh đã thay đổi trong vòng mấy thập niên gần đây.
Trước những năm 1950, các vụ ngoại tình và ly hôn của chính khách không được công khai bàn tán một cách nghiêm túc, nó được coi là chuyện riêng. Ví dụ, cựu Thủ tướng Anh David Lloyd George suốt 30 năm có quan hệ tình cảm với nữ thư ký Frances Stevenson.
Tất cả đã thay đổi sau khi xảy ra một trong những vụ scandal chính trị lớn nhất ở Anh vào đầu những năm 1960. Bộ trưởng Quốc phòng John Profumo có quan hệ ngoài hôn nhân với người mẫu Christine Keeler.
Ban đầu Bộ trưởng phủ nhận tất cả, sau đó ông đã thú nhận và xin từ chức. Tiếp theo ông ta, Thủ tướng Harold Macmillan cũng buộc phải từ chức, còn đảng Bảo thủ của họ đã thất bại trong các kỳ bầu cử sau trước Công đảng. Kể từ đó, báo chí Anh bắt đầu theo dõi sát sao đời tư của các chính khách. Đặc biệt, từ năm 1992-1994, một số bộ trưởng và nghị sĩ trong chính phủ John Major bị phát hiện ngoại tình đã phải từ chức. Bản thân ông Major sau khi từ chức buộc phải thừa nhận rằng mấy năm liền ngoại tình với Bộ trưởng Y tế trong chính phủ của mình Edwina Currie.
Năm 2011, lãnh đạo Công đảng Edward Miliband đã cưới bà Justine Thornton, người ông đã chung sống ngoài hôn nhân và sinh ba đứa con trai cho mình nhiều năm trước đó... Trong bối cảnh đó, việc ông Johnson đến phố Downing cùng với một người phụ nữ, trong khi vẫn chưa chính thức ly hôn và từ chối nói về các quan hệ tình cảm mới của mình, xem ra thật kỳ quặc. Nhưng xã hội chấp nhận điều đó. “Johnson là một nhân vật mâu thuẫn đến mức, những kẻ yêu ông ấy vẫn yêu bất kể quá khứ của ông, và có thể, không để ý tới đời tư của ông. Với những kẻ không yêu ông ấy, danh mục các nguyên nhân nhiều đến mức những chuyện riêng tư không có ý nghĩa quyết định” - tờ Guardian nhận xét.
Điều này cũng được xác nhận bởi một cuộc thăm dò ý kiến do tờ Daily Expresstiến hành: phần lớn bạn đọc cho rằng Johnson không nhất thiết phải trả lời các câu hỏi về đời tư của mình.
Nữ hoàng không đồng tình
“Hiện nay cả nước Anh nhìn vào Carrie Symonds. Vị thế hiện nay của cô thật hy hữu - ông Watson nói - Có quá nhiều chuyện vô tiền khoáng hậu diễn ra: ban đầu là “Brexit”, còn bây giờ là cặp đôi ngoài hôn thú ở số 10 phố Downing - lần đầu tiên kể từ ngày khánh thành Dinh Thủ tướng vào thế kỷ XVIII”.
Theo ông, Carrie Symonds sẽ tránh hoạt động chính trị công khai - cô ấy không có ê kíp của mình, không bao giờ tuyên bố về tham vọng cá nhân. Không xuất đầu lộ diện đối với cô quả là có lợi.
“Để đến thăm Nữ hoàng cần phải trở nên bảo thủ ở mức độ nhất định - Watson giải thích - Cần phải hiểu rằng Johnson chưa chính thức ly hôn với vợ cũ của mình. Rõ ràng nếu sắp tới họ xuất hiện trước Nữ hoàng Elizabeth thì điều đó có nghĩa là tất cả mọi chuyện ở nước ta đã lộn tùng phèo lên hết rồi”.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chan-dung-ban-gai-cua-tan-thu-tuong-anh-560425/