Chân dung Hoàng tế Philip - người bạn đời đồng hành không thể rời xa trong suốt 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh

Hoàng tế Philip không chỉ là một người chồng, ông còn là người cộng sự đắc lực và hậu phương vững chắc cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong suốt quãng thời gian trị vì của bà.

Philip, Công tước xứ Edinburgh, là hoàng tế và chồng của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Với nhiều người không quen thuộc với Hoàng gia, ông tạo ấn tượng là một người luôn đi sau Nữ hoàng vài bước trong những sự kiện quan trọng.

Ông cũng đồng hành cùng người con trai có phần nổi tiếng hơn là Thái tử Charles - Thân vương xứ Wales, và các thành viên khác của Hoàng gia trong các đám rước và tại các sự kiện. Ngoài những người chú tâm theo dõi Hoàng gia, ít người thực sự biết nhiều về ông.

Tuy nhiên, cuộc đời của Philip là câu chuyện vô cùng thú vị. Ông cũng là phối ngẫu của một vị quốc vương lâu nhất trong lịch sử Anh trước khi qua đời vào năm 2021.

Tuổi thơ nhiều biến cố và quãng đời binh nghiệp

Philip sinh ra là Vương tôn của Hy Lạp và Đan Mạch khi thừa hưởng dòng dõi Hoàng gia từ cả 2 đất nước này. Ông được sinh ra vào năm 1921, là con trai của Vương tử Andrew của Hy Lạp và Công nương Alice của Battenberg.

Chỉ khoảng 18 tháng sau khi ra đời, những biến cố chính trị đã khiến bác của ông (Vua Constantine I của Hy Lạp) phải thoái vị. Philip và gia đình sau đó may mắn được đưa sang Anh lánh nạn dưới sự bảo trợ của Vua George V (chính là ông nội của Nữ hoàng Anh Elizabeth II sau này).

Sau khi trở thành thần dân Vương quốc Anh, Philip từ bỏ tước hiệu Hoàng gia Hy Lạp và Đan Mạch để nhận họ Mountbatten của người cậu ruột - đô đốc Hải quân Anh, Bá tước Louis Mountbatten.

Hoàng tế Philip khi còn tại ngũ.

Hoàng tế Philip khi còn tại ngũ.

Ông tiếp tục được đi học tại trường Gordonstoun, Scotland, và sau này là Đại học Hải quân Hoàng gia tại Dartmouth - nơi ông chính thức gặp Công chúa Elizabeth lần đầu.

Vào tuổi 17, Philip gia nhập Hải quân Anh và phục vụ trên nhiều chiến hạm tại Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương suốt Thế chiến II. Philip tiếp tục tại ngũ tới tháng 7 năm 1951 và được phong hàm trung tá năm 1952.

Hôn nhân với Công chúa Anh

4 tháng sau khi đính hôn, Philip chính thức làm đám cưới với Công chúa Hoàng gia Elizabeth - người kế vị ngai vàng Anh - tại Tu viện Westminster năm 1947. Với cuộc hôn nhân này, ông được phong làm Công tước xứ Edinburgh, Bá tước Merioneth và Nam tước Greenwich.

Hoàng tế bên Nữ hoàng và 2 người con cả.

Hoàng tế bên Nữ hoàng và 2 người con cả.

Cùng nhau, cặp đôi có 4 người con là Thái tử Charles (sinh năm 1948), Công chúa Anne (sinh năm 1950), Hoàng tử Andrew (sinh năm 1960) và Hoàng tử Edward (sinh năm 1964).

Trở thành hậu phương

Vua George VI chứng kiến tình trạng sức khỏe sa sút và qua đời ngày 6/2/1952 vì biến chứng ung thư phổi. Cặp đôi Hoàng gia lúc đó đang trong chuyến công du tới các nước Thịnh vượng chung tại Kenya và phải lập tức trở về nối ngôi. Tuy vậy, lễ đăng quang chính thức của bà diễn ra vào hơn 1 năm sau đó - ngày 2/6/1953.

Lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Từ thời điểm đó, Công tước xứ Edinburgh cũng trở thành Hoàng tế Anh và phục vụ như hậu phương cho vợ mình suốt gần 70 năm sau đó.

Trong những năm đầu phục vụ, Philip trở thành đối tượng gây tranh cãi của nhiều thế lực chính trị trong chính quyền Anh. Lý do là vì cặp đôi Hoàng gia muốn thống nhất họ của 2 người thành một họ chung cho những hậu duệ không mang tước hiệu - là Mountbatten-Windsor.

Nhiều người cũng bày tỏ sự xem nhẹ với ông khi Philip không được phong tước Vương khi Nữ hoàng lên ngôi. Để dàn xếp việc này, Nữ hoàng phong cho ông làm Thân vương Vương quốc Anh và đặt vị trí sánh đôi với mình. Điều này có nghĩa là ông có vai trò quan trọng hơn em gái bà - Công chúa Margaret, và sẽ đóng vai trò nhiếp chính trong trường hợp không may khi Thái tử Charles lên ngôi trước 18 tuổi.

Các hoạt động từ thiện

Mặc dù phần lớn thời gian của Hoàng tế được dành cho các nghĩa vụ quốc gia, ông cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của ông là trở thành Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) từ 1981 tới 1996.

Hoàng tế bên bức ảnh kỷ niệm với logo WWF.

Hoàng tế bên bức ảnh kỷ niệm với logo WWF.

Ngoài ra, ông cũng đứng sau một chương trình quốc tế là Giải thưởng Công tước xứ Edinburgh phủ khắp 140 quốc gia, giúp thanh niên tham gia các nghĩa vụ cộng đồng, phát triển tiềm năng lãnh đạo và các hoạt động thể chất.

Luôn sánh đôi bên Nữ hoàng

Theo một số nguồn tin, Hoàng tế Philip đã có trung bình 342 lần xuất hiện trước công chúng mỗi năm từ năm 1952 đến năm 2017. Trong hầu hết các lần xuất hiện, ông đều tháp tùng Nữ hoàng Elizabeth.

Tuy nhiên, ông cũng có hơn 22.000 cuộc gặp riêng để hỗ trợ các khía cạnh khác nhau của Khối thịnh vượng chung Anh, bao gồm buổi làm việc với gần 800 tổ chức từ thiện mà ông đã liên kết trong nhiều năm.

Trong ảnh, Hoàng tế Philip khiêu vũ với Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Betty Ford trong lễ kỷ niệm 200 năm thành lập Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 1976. Chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ diễn ra chỉ vài tháng trước dịp Đại lễ Bạc của Nữ hoàng Anh vào năm 1977 - mốc đánh dấu 25 năm trị vì của bà.

Nghỉ hưu khỏi hoạt động công chúng

Vào năm 2017, Hoàng tế tuyên bố lùi khỏi mọi nghĩa vụ công chúng vì lý do tuổi cao. Ông tiếp tục dành phần đời còn lại bên Nữ hoàng và con cháu, tham gia các đám cưới Hoàng gia cũng như những sự kiện khác.

Cặp đôi hoàng gia đang đọc thiệp mừng kỷ niệm 73 năm ngày cưới từ các chắt.

Cặp đôi hoàng gia đang đọc thiệp mừng kỷ niệm 73 năm ngày cưới từ các chắt.

Trong bài phát biểu lễ Giáng sinh năm 2016, Nữ hoàng đã nói về người chồng thân thương của mình: "Kể cả Thân vương Philip cũng quyết định đã đến lúc nên chậm lại một chút - như anh ấy đã nói một cách ngắn gọn - "xong phần mình rồi". Nhưng tôi biết sự ủng hộ của anh ấy (cho tôi) và khiếu hài hước độc đáo sẽ mãi luôn vững mạnh".

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chan-dung-hoang-te-philip-nguoi-ban-doi-dong-hanh-khong-the-roi-xa-trong-suot-70-nam-tri-vi-cua-nu-hoang-anh-222022315133355427.htm